11:05 08/11/2018

TP Hồ Chí Minh gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang sụt giảm, doanh nghiệp bất động sản đang bị vướng nhiều thủ tục hành chính, các dự án chậm triển khai khiến vốn của doanh nghiệp bị chôn chân hơn 10 năm qua.

Đây là những thông tin mà các doanh nghiệp đã chia sẻ tại hội nghị “Gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản 2018”, do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 7/11.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản đã chia sẻ thẳng thắn các vướng mắc và khó khăn với lãnh đạo UBND và Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh .

Chú thích ảnh
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hưng Thịnh Corp, cho biết hiện nay doanh nghiệp đang bị vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất cho khách hàng. Thời gian cấp sở hồng của các cơ quan quản lý còn quá chậm dù doanh nghiệp đã có đầy đủ giấy tờ pháp lý. "Cụ thể, một khu chung cư của đơn vị có khoảng 500 căn hộ thì ít nhất phải chờ 2 năm mới có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, thậm chí có khu còn chờ lâu hơn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, chính quyền có thể nghiên cứu chuyển việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất cho các căn hộ chung cư về văn phòng đăng kí đất đai của quận, huyện. Bởi quận, huyện là đơn vị gần gũi và nắm rõ các thông tin về dự án nhà chung cư tại địa phương mình quản lý", ông Trung nói.

Trong khi đó, đại diện địa ốc Phú Long cho biết, năm 2004 doanh nghiệp có đấu giá được 14 khu đất ở huyện Nhà Bè, khu đất này cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, không biết việc giải phóng mặt bằng ở khu đất này ra sao mà lâu lâu, đơn vị phải tiếp vài hộ dân đến đòi lại mảnh đất và không cho đơn vị thi công dự án. Đến nay, dự án đã phải nằm chờ hơn 14 năm mà chưa được thi công, bao nhiêu vốn liếng của doanh nghiệp đã phải chôn chân tại dự án.

“Một khó khăn khác của đơn vị đang gặp phải là cách đây 5 năm, đơn vị có đấu thầu được dự án ngầm hóa đường cáp điện 220 kv với điều kiện đấu thầu là tự ứng vốn trước cho công tác giải phóng mặt bằng. Khi đó, đơn vị đã ứng trước 160 tỷ đồng cho dự án nhưng chờ mãi đến 10 năm nay, thành phố vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch để đơn vị thi công. Trong khi đó, số tiền vay ngân hàng của doanh nghiệp đang được tính từng ngày. Doanh nghiệp đã quá mệt mỏi với việc phải chờ đợi, hy vọng lãnh đạo thành phố có thể chia sẻ và giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản”, đại diện Phú Long cho biết thêm.

Đại diện Tập đoàn Novaland cũng cho hay, đơn vị đang bị ngưng kinh doanh vì 2 dự án trọng điểm đã đưa vào kế hoạch kinh doanh nhưng không được triển khai. Đó là dự án Vườn Dừa có quy mô 158 ha tại Quận 9 và dự án Bình Khánh có quy mô 30 ha tại Quận 2. Vừa qua, đơn vị phải giảm biên chế 1.000 người vì không đủ dự án để triển khai. Ngoài ra, các đối tác cũng đang ngần ngại hợp tác với Novaland vì các dự án của doanh nghiệp bị thanh kiểm tra quá nhiều.

Chú thích ảnh
Ông Trần Trọng Tuấn trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị chiều ngày 7/11.

Trả lời các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm rút ngắn quá trình xin cấp phép xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn vị cũng đã triển khai thí điểm thực hiện một cửa liên thông về cấp phép xây dựng thuộc chức năng, thẩm quyền của sở này. Theo đó, quy trình cấp giấy phép xây dựng thay vì được tiến hành theo 3 bước (thẩm định cấp phép cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng) thì nay quy trình thực hiện cả 3 bước cùng một lúc nên  thời gian cấp phép sẽ giảm từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Liên quan đến doanh nghiệp Novaland, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: "2 dự án Vườn Dừa và Bình Khánh của doanh nghiệp đang trong giai đoạn chờ kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ do dự án đang có sai phạm. Thành phố rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần đồng hành với thành phố hơn nữa". Ngoài ra, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã đề nghị các sở, ngành khi tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp cần xử lý ngay. Vì doanh nghiệp nghĩ rằng, công việc ấy thuộc thẩm quyền của đơn vị, sở, ngành đó nên họ mới đề đạt ý kiến lên, nếu như cái nào không thuộc thẩm quyền của mình thì phải phản hồi và hướng dẫn doanh nghiệp đi đến đúng địa điểm, không thể im lặng để doanh nghiệp chờ đợi quá lâu.

“Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ nỗ lực giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Còn những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên thì không còn cách nào khác là phải đợi. Sự thành công của doanh nghiệp là thành công của thành phố nên chúng tôi sẽ nỗ lực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Phong cho biết thêm.

Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, 10 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường TP Hồ Chí Minh, 10 tháng đầu năm có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà (trong đó có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng) với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%. Số lượng dự án giảm 11,1%. Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, là 9,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%; phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%. Phân khúc cao cấp cao hơn các phân khúc khác đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung, đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản đang thiếu bền vững.
Hoàng Tuyết/Báo Tin tức