07:21 10/07/2021

TP Hồ Chí Minh: Giảm bớt quy mô sản xuất để đảm bảo an toàn cho công nhân

Ngày 10/7, Đoàn công tác của bộ phận công tác đặc biệt về hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh do PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng viện Viện Sức khỏe và Nghề nghiệp - Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra, hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe & Nghề nghiệp - Bộ Y tế cùng đoàn công tác đến kiểm tra Công ty TNHH Việt Nam Paiho. Ảnh: ncov.moh.gov.vn

Qua khảo sát bước đầu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn ghi nhận các doanh nghiệp duy trì tốt các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản như đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát trùng, đeo khẩu trang, lắp vách ngăn trong từng bàn ăn để hạn chế tiếp xúc giữa những người lao động với nhau. Các doanh nghiệp cũng đã thành lập tổ phòng, chống dịch bệnh và tập huấn các phương án xử lý khi xảy ra tình huống F0, F1 trong doanh nghiệp; đồng thời vận động công nhân người lao động thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp 5K phòng chống dịch bệnh; hạn chế tiếp xúc, đi lại bằng phương tiện công cộng, ngoại trừ các trường hợp bắt buộc.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn cảnh báo, mối liên hệ mật thiết giữa các công nhân trong cùng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ, trong cùng doanh nghiệp và trong cộng đồng sẽ dễ lây lan dịch bệnh. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: cho nghỉ các trường hợp có nguy cơ, tầm soát định kỳ, giảm bớt quy mô sản xuất để đảm bảo an toàn cho công nhân, bố trí người lao động ở lại công ty để đảm bảo phòng, chống dịch, giữ vững sản xuất.

Tuy nhiên, việc lựa chọn người lao động lưu trú tại công ty phải đảm bảo người lao động không mang mầm bệnh; đồng thời được quản lý chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất thiết yếu phòng, chống dịch bệnh (sát khuẩn tại tất cả các khu vực trong công ty, các tài liệu truyền thông phòng chống dịch); người lao động cũng phải tuân thủ khẩu trang, khoảng cách…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng về môi trường làm việc, ăn, nghỉ, các phương án phòng, chống cháy nổ nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động. Đồng thời, doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, chính quyền địa phương để kịp thời có phương án ứng phó trong trường hợp xuất hiện F0…

Đại diện các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Tạo, ông Chen Meng Yu, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Paiho cho biết, doanh nghiệp có khoảng 1.700 người lao động được bố trí thành 3 ca sản xuất, cùng khoảng 900 lao động tại 2 cơ sở chi nhánh đều đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ngay thời điểm dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp bắt đầu ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. 

Cụ thể, tối 9/7, Công ty Paiho cùng các lực lượng chức năng thành phố và quận phát hiện một trường hợp công nhân làm việc tại nhà máy có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đây là trường hợp F0 đầu tiên đang tham gia sản xuất được ghi nhận tại nhà máy nên doanh nghiệp đã phong tỏa và phun khử khuẩn toàn bộ phân xưởng nơi trường hợp F0 này làm việc; đồng thời tiến hành điều tra truy vết 13 trường hợp F1 là người chung phân xưởng với F0 được đưa đi cách ly tập trung nhằm tránh lây lan dịch bệnh và đứt gãy” chuỗi  sản xuất. "Đơn vị đã chủ động cho khoảng 500 công nhân có liên quan đến các mốc dịch tễ được xác định tạm nghỉ làm để đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như đảm bảo cho công tác sản xuất", ông Chen Meng Yu cho biết. 

TP Hồ Chí Minh hiện có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao có tổng cộng hơn 320.000 công nhân lao động. Tính từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay có khoảng 38 doanh nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7)... phát hiện nhiều ca mắc COVID-19.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đến thời điểm hiện tại có hơn 1.800 trường hợp công đoàn viên, người lao động mắc COVID-19; gần 10.000 trường hợp F1 và gần 15.000 trường hợp F2. Đồng thời, có 6 nhà máy với tổng cộng hơn 36.000 công nhân tạm ngừng sản xuất do phát hiện ca mắc COVID-19.

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)