07:09 09/07/2017

TP Hồ Chí Minh: Du lịch đường sông có nguy cơ 'chết lâm sàng'

Du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển èo uột khi lượng khách liên tục giảm khiến nhà đầu tư thì lâm vào tình thế "phá sản", nhiều nguy cơ "chết lâm sàng".

Được xem là đơn vị tham gia khai thác tour tuyến du lịch đường sông từ những ngày khởi thủy, nhưng đến nay hoạt động du lịch đường sông của Saigontourist phát triển không như mong đợi.


Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty du lịch Sài Gòn, cho biết cuối 2012, Saigontourist được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo chủ lực khai thác du lịch đường sông. Theo đó, có nhiều đơn vị thành viên khai thác loại hình du lịch này và đơn vị đã thực hiện giới thiệu chào bán 7 tour đường sông và đã đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm… Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên kết quả chưa đạt như kì vọng ban đầu.

Giá tour du lịch đường sông cao hơn đường bộ nên cũng kén du khách.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống cầu tàu, bến bãi, các điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ, độ tĩnh không thông thuyền… chưa hoàn thiện. Ngoài ra, với tính đặc thù, giá tour đường sông thường cao hơn tour đường bộ nên cũng chưa thu hút khách, tính phối kết hợp giữa các bên liên quan trong việc khai thác sản phẩm cũng có những hạn chế”, ông Bình cho biết.


Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác tour du lịch đường sông cũng ngày một giảm. Nếu năm 2011, TP Hồ Chí Minh có khoảng 37 doanh nghiệp với 130 phương tiện tham gia phát triển du lịch đường sông thì nay đã giảm còn 19 doanh nghiệp với 100 phương tiện tham gia.

Các cầu tàu cho du thuyền cần được đầu tư hợp lý mới giúp doanh nghiệp lữ hành khai thác tour đường sông hăng hái tham gia.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển du lịch đường sông là chủ trương của thành phố có từ lâu, ngành du lịch cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tour, tuyến để phát triển du lịch đường sông, tuy nhiên loại hình du lịch này chưa phát triển đúng tiềm năng. 


Nguyên nhân là do hệ thống cơ sở vật chất để phát triển du lịch đường sông vẫn còn nghèo nàn. Cụ thể là hệ thống cầu tàu, bến bãi còn thiếu và yếu, nguồn nước của kênh rạch còn ô nhiễm, bị lấn chiếm nghiêm trọng...; các sản phẩm du lịch đường sông còn đơn điệu, chẳng hạn khu vực trung tâm cảnh quan ấn tượng, đẹp mắt nhưng đi xa hơn ra ngoại thành cảnh quan còn đơn điệu chưa thu hút nhiều du khách.


“Vì vậy, thành phố cần phải có nhiều chính sách để thu hút đầu tư và khuyến khích hợp lý để tiếp tục kêu gọi nhiều doanh nghiệp lữ hành khai thác tour đường sông tham gia. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường nước, nâng độ tĩnh không của các cây cầu. Điều chỉnh quy hoạch hợp lý bến bãi, nhà chờ…”, ông Vũ cho biết thêm.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức