06:16 11/06/2021

TP Hồ Chí Minh: Dịch trong cộng đồng vẫn chưa kiểm soát hết

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ngày 11/6, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, các ca nhiễm trong cộng đồng trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa kiểm soát được hết. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các ca nhiễm này được phát hiện khi người dân đến khám bệnh tại các bệnh viện.

Nhiều ổ lây nhiễm chưa rõ nguồn lây

Tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 7 đến ngày 10/6 số trường hợp mắc COVID-19 đã có sự gia tăng và cao hơn tuần trước. Theo thống kê từ ngày 18/5 đến nay, thành phố ghi nhận 595 trường hợp mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Ổ dịch chung cư Ehome 3 được phát hiện từ một bệnh nhân đi khám ở bệnh viện.

Nhận định về chuỗi lây nhiễm bệnh tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, chuỗi lây nhiễm liên quan đến công ty ở Quận 3 và quán bánh canh ở Quận 3 đã được kiểm soát. Đối với chuỗi lây nhiễm ở nhóm truyền giáo Phục hưng cơ bản đã được kiểm soát, chỉ còn đang tiếp tục truy vết dập dịch đối với những người liên quan tòa nhà SAMCO và giám sát hiệu quả những khu vực phong tỏa, khu cách ly. Các trường hợp phát hiện có liên quan đến doanh nghiệp, khu công nghiệp đều đã được kiểm soát và chưa có dấu hiệu lây lan.

“Hiện nay, xuất hiện một số trường hợp qua khám sàng lọc hoặc khai báo y tế có triệu chứng nhưng chưa rõ nguồn lây. Ngành y tế tiếp tục giám sát chặt điều tra các trường hợp khám sàng lọc tại các bệnh viện để kết chuỗi hoặc tìm nguồn lây để xử lý triệt để,  cắt đứt các chuỗi lây nhiễm”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói.

Chú thích ảnh
Hiện có những ổ dịch nhỏ mới phát hiện rải rác trong cộng đồng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của Thành phố, sau 10 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh mới phát hiện, chủ yếu trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Điều này cho thấy, các chuỗi lây nhiễm quanh ổ dịch điểm nhóm Hội thánh đã được kiểm soát.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, ngoài chuỗi lây nhiễm trên, Thành phố còn phát hiện 48 bệnh nhân COVID-19 qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám. Từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết thành phố đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng.

Cụ thể, ổ dịch thứ nhất là Xưởng cơ khí Hóc Môn được phát hiện tối 8/6 ghi nhận 6 bệnh nhân, đến khám sàng lọc tại 3 bệnh viện Thống Nhất, Trưng Vương và Bình Chánh. Qua truy vết đã phát hiện các bệnh nhân này đều có đến 1 xưởng cơ khí ở Hóc Môn, sau đó đã phát hiện thêm 25 ca bệnh. Tất cả những trường hợp bệnh nhân hiện sau này đều có quan hệ trong cùng gia đình, hàng xóm, có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

Ổ dịch thứ 2 là chung cư Ehome 3 (Bình Tân), từ 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại bệnh viện Quốc tế City ngày 5/6 và 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại bệnh viện Triều An ngày 7/6, qua truy vết đã phát hiện 14 ca bệnh khác tại khu vực này.

Chú thích ảnh
Hiện đã có 30 bệnh viện và phòng khám trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phát hiện người mắc COVID-19 đến khám tại bệnh viện qua công tác sàng lọc.

Ổ dịch thứ 3 tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Đức Khang ngày 2/6, đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân là người sống cùng nhà và người cùng làm việc.

Ổ dịch thứ 4 tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, huyện Hóc Môn ngày 5/6, từ 1 bệnh nhân đến khám sàng lọc tại bệnh viện Hóc Môn đã phát hiện thêm 9 bệnh nhân khác cùng nhà và các nhà xung quanh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, hiện có những ổ dịch nhỏ mới phát hiện rải rác trong cộng đồng, nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan do sự tiếp xúc của những người trong cùng gia đình như ổ dịch ở xưởng cơ khí Hóc Môn, chung cư EHome 3, hộ dân ở Thủ Đức.

“Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước hoặc là người có tiếp xúc các ca bệnh, đi qua các vùng dịch tễ nhưng chưa khai báo đầy đủ”, giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định.

Tiếp tục khẩn trương truy vết, khoanh vùng dập dịch

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh lưu ý, hiện vẫn còn một số ca nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, cần quan tâm, làm sao tập trung điều tra truy vết, cuối cùng kiểm soát được dịch bệnh. Quá trình thực hiện thống nhất nhau về phương pháp, phối hợp đồng bộ, nghiêm túc thực hiện các biện pháp.

Chú thích ảnh
Tiếp tục truy vết khoanh vùng dập dịch khẩn trương và triệt để.

Liên quan đến việc giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tiếp tục hay ngưng thực hiện giãn cách xã hội, hoặc tiếp tục cục bộ trên một số địa bàn cần thực hiện trên tinh thần đánh giá kỹ tình hình; từ đó áp dụng các hình thức cho phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, toàn thành phố đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) thực hiện Chỉ thị 16. Hiện nay, mỗi ngày vẫn xuất hiện trung bình 30 – 50 ca bệnh, đa số là những trường hợp F1 đã đưa vào khu cách ly, các khu phong tỏa chuyển thành F0, hoặc qua xét nghiệm tầm soát khi khám bệnh tại các bệnh viện; qua truy vết tại các khu phố, công ty, cao ốc. Các trường hợp mắc bệnh qua xét nghiệm hay tầm soát, khám bệnh tại các bệnh viện tăng lên.

Chú thích ảnh
Chủ động xây dựng phương án để chống dịch 5000 trường hợp nhiễm.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, các chuỗi lây nhiễm về sau cho thấy ca nhiễm mới được phát hiện qua sàng lọc khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Sau đó, ngành y tế mới tiếp tục truy vết và phát hiện tại nơi ở, nơi làm việc. "Điều đó chứng tỏ, tình hình dịch trong cộng đồng thời gian vừa qua vẫn chưa kiểm soát được hết, khâu khó nhăn nhất hiện nay là số ca nhiễm phát hiện qua việc người dân đến khám bệnh ở bệnh viện ngày càng tăng ", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, dựa vào thời gian ủ bệnh là 14 -21 ngày, trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm các ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát. Thành phố cần tận dụng những ngày áp dụng giãn cách tiếp theo, yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ để kịp thời phát hiện tình trạng bệnh và cách ly điều trị sớm, đồng thời khẩn trương truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để nhằm khống chế hoàn toàn các ổ dịch.

Về các giải pháp phòng chống dịch bệnh thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục truy vết khoanh vùng dập dịch khẩn trương và triệt để. Tại các khu vực phát hiện ca dương tính thì khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát các địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận; đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm này.

Chú thích ảnh
Thành phố đặt ra mục tiêu 2/3 người dân thành phố được tiêm vaccine trong năm 2021 .

“Biện pháp hàng đầu bây giờ là truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương và tăng cường giám sát phòng chống dịch ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị ngành y tế sẵn sàng năng lực điều trị cho người bệnh. Theo đó, chủ động xây dựng phương án để chống dịch 5000 trường hợp nhiễm; phân công 7 bệnh viện của thành phố chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 với 2.000 giường (trong đó, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở) và chuẩn bị triển khai thêm các bệnh viện dã chiến với tổng số 3.000 giường.

“Mọi sự chủ động đều rất cần thiết để khi có tình huống bất trắc, tình huống phức tạp xảy ra thì chúng ta hoàn toàn chủ động”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Về vấn đề tiêm vaccine cho người dân TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện thành phố đang thành lập 1 tổ mua và tiêm vaccine do Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức và một số chuyên gia trong ngành y tế đàm phán, tham mưu và tiêm vaccine. Thành phố đặt ra mục tiêu 2/3 người dân thành phố được tiêm vaccine trong năm 2021. Tuy nhiên, nguồn cung ứng cùng một lúc không đủ thì cần phải có lộ trình đối tượng nào ưu tiên tiêm trước.

“Mặc dù, có rất nhiều đối tượng cần tiêm vaccine, nhưng trong điều kiện lượng vaccine cung ứng có hạn nên phải có lộ trình, ưu tiên như thế nào… Bên cạnh chương trình tiêm chủng của cả nước, thì mục tiêu của chúng ta cố gắng tiêm vaccine đầy đủ cho người dân thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Chú thích ảnh
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức