08:17 07/08/2020

TP Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra đúng vào thời điểm dịch COVDI-19 đang diễn biến phức tạp, khiến cho rất nhiều thí sinh, phụ huynh và giáo viên lo lắng. Vì vậy, ngày 7/8, lãnh đạo UBND thành phố đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tại một số điểm thi trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu vào ngày mai (ngày 8/8).

Các điểm thi đã sẵn sàng

Chú thích ảnh
Ở những khu vực công cộng như hành lang, cầu thang đi lên đều có chai cồn sát khuẩn cho thí sinh sử dụng trước khi vào phòng thi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại thành phố có gần 75.000 thí sinh tham dự, với 115 điểm thi. Sở đã huy động hơn 10.000 cán bộ coi thi; ngành giáo dục cũng hỗ trợ khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để tất cả các điểm thi sẵn sàng bước vào kỳ thi an toàn trong mùa dịch.

Theo ghi nhận, hiện nay tất cả các điểm thi tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khử khuẩn, trang bị khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt, phòng cách ly…

Cô Lương Bích Nga, Phó hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương (Quận 1), cho biết, điểm thi của trường có 28 phòng thi với 672 thí sinh dự thi. Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi diễn ra an toàn, nhà trường đã vệ sinh toàn bộ phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, tất cả các bề mặt, bàn ghế… bằng dung dịch Cloramin B. Việc vệ sinh khử khuẩn sẽ tiếp tục được thực hiện sau mỗi buổi thi.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường xà phòng rửa tay sát khuẩn ở các khu vực nhà vệ sinh, bồn rửa tay và cồn sát khuẩn ở mỗi phòng thi. Ở những khu vực công cộng như hành lang, cầu thang đi lên đều có chai cồn sát khuẩn cho thí sinh sử dụng trước khi vào phòng thi. Nhà trường còn trang bị thêm 12 bồn rửa tay di động ở sân trường, 40 điện kế điện tử đo thân nhiệt cho thí sinh, 100 hộp khẩu trang. Song song đó, nhà trường chuẩn bị phòng cách ly trong khu vực phòng y tế của trường và 2 phòng thi dự phòng khi xảy ra sự cố trong tình hình dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Hiện nay, các điểm thi đều đã tiến hành khử khuẩn đảm bảo an toàn cho thí sinh. Ảnh: Trường THPT Nguyễn Du.

“Những giáo viên đi từ vùng có dịch về, tiếp xúc với người thân ở vùng dịch sẽ không tham gia công tác coi thi. Theo đó, để đảm bảo số lượng giám thị gác thi tại các điểm thi, nhà trường sẽ huy động tất cả giáo viên của trường để sẵn sàng tham gia công tác coi thi”, cô Lương Bích Nga cho biết thêm.

Tại điểm thi trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) có 864 thí sinh dự thi. Hiện nhà trường đã chuẩn bị 36 phòng thi, 8 phòng dự phòng (gồm các phòng chờ, dự phòng, khu vực nghỉ trưa cho thí sinh và cho giáo viên). Nhà trường cũng chuẩn bị các dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt chuẩn, hơn 1.000 khẩu trang y tế và khẩu trang vải để phát cho thí sinh và giáo viên.

Ngày 7/8 ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã dẫn đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP Hồ Chí Minh. Tại mỗi điểm, đoàn tập trung kiểm tra các trang thiết bị, vật dụng cần thiết để phòng, chống dịch COVID-19 như dung dịch sát khuẩn tay, dụng cụ đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng… Bên cạnh đó, đoàn xem xét việc bố trí giãn cách tại các phòng thi, công tác tổ chức phòng thi dự phòng nhằm đảm bảo đầy đủ các điều kiện bảo mật của kì thi...

Qua kiểm tra, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, nhìn chung các điểm thi chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, các thiết bị phòng chống dịch, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho thí sinh và giáo viên tham gia kỳ thi. Một số điểm thi còn gắn camera ở phòng lưu giữ đề thi và phòng hội đồng. “Chúng tôi thấy yên tâm trước công tác chuẩn bị của các điểm thi, đảm bảo về giãn cách, tổ chức tốt các phòng dự phòng và nâng cao ý thức về phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế”, ông Dương Anh Đức cho biết thêm.

Thí sinh yên âm, tự tin làm bài

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, hiện tại thành phố đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp. Thành phố sẽ tiến hành đo thân nhiệt cho tất cả các thí sinh tại mỗi điểm thi. Trong giờ làm bài, thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần chăm sóc y tế sẽ được đưa xuống phòng y tế để chăm sóc, nếu đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục làm bài sẽ được bố trí thi ở phòng dự phòng để không ảnh hưởng các thí sinh còn lại. Mỗi điểm thi đều có cán bộ y tế là nhân viên y tế của trường hay bác sĩ tại trạm xá, tùy theo bố trí của mỗi địa phương.

Chú thích ảnh
PCT UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá các điểm thi nhìn chung chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, các thiết bị phòng chống dịch, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho thí sinh và giáo viên tham gia kỳ thi.

Bài thi của các thí sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ được xử lý theo khuyến cáo của ngành y tế là bọc trong túi nilon. Cán bộ coi thi tại phòng thi dự phòng được yêu cầu thay khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Sau khi kết thúc quá trình làm bài, thí sinh được ưu tiên xét nghiệm COVID-19, nếu kết quả âm tính sẽ triển khai công tác chấm thi bình thường, nếu dương tính sẽ xin ý kiến chỉ đạo của ngành y tế để có biện pháp xử lý phù hợp. Song song với việc đảm bảo an toàn cho các thí sinh khác tại điểm thi, Sở cũng có kế hoạch cụ thể phối hợp với Sở Y tế để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên hội đồng in sao đề thi, cán bộ tham gia kỳ thi, đảm bảo đúng đúng quy trình.

Chú thích ảnh
 Thầy, cô giáo nhắn nhủ thí sinh yên tâm, tự tin chuẩn bị kiến thức tốt bước vào phòng thi. 

Ông Dương Anh Đức cho biết thêm, kỳ thi năm nay rất đặc biệt, diễn ra đúng thời điểm làn sóng thứ hai dịch bệnh COVID-19 diễn biến khá phức tạp nên lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến sức khỏe các thí sinh và giáo viên tham gia kỳ thi. “Tôi mong muốn tất cả các bộ phận chức năng, ban ngành phải thực sự cảnh giác, chăm lo an toàn sức khỏe cho các thí sinh. Dù trong hoàn cảnh dịch bệnh, có thể phải làm thêm nhiều biện pháp nhưng lãnh đạo các điểm thi, giáo viên tham gia kỳ thi phải giữ vững tinh thần, trách nhiệm cao, tuân thủ các quy định, tự tin để giúp điểm thi của mình được tổ chức kỳ an toàn, nghiêm túc, giúp thí sinh phát huy tối đa năng lực để đạt kết quả cao nhất kỳ thi”, ông Dương Anh Đức chia sẻ.

Trước những lo lắng của học sinh vì phải thi trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cô Lương Bích Nga cho biết: “Các em cố gắng chuẩn bị thật tốt tâm lý, kiến thức để bước vào kỳ thi. Còn công tác chuẩn bị đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em thì thầy, cô và các cơ quan chức năng sẽ cố gắng hết sức. Các em cứ tin tưởng vào nhà trường”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) cũng chia sẻ: "Dù thời gian năm học có gãy khúc nhưng mạch kiến thức của các em vẫn liên tục. Trong thời gian này, các em không nên thức khuya làm mỏi mắt, đau đầu và thiếu tập trung. Nên đặt chuông báo thức và ăn sáng tại nhà trước khi tới điểm thi. Khi bị ho, sốt, đau đầu, tức ngực... nên nghỉ ở nhà và phải đi đến bệnh viện khám để lấy chứng nhận của bệnh viện bổ sung hồ sơ xét đặt cách hoặc thi lần 2. Học sinh thi trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 nên cần phải hết sức cẩn thận, luôn mang khẩu trang khi ra khỏi nhà, có chai nước rửa tay khô và khăn ướt để tiện việc vệ sinh bàn ghế trước khi ngồi, tránh tụm năm tụm bảy. Thí sinh tuyệt đối không mang vào phòng thi các thiết bị thu phát sóng, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao có chức năng lưu giữ thông tin, tài liệu photo thu nhỏ…".

Cũng theo thầy Huỳnh Thanh Phú, thí sinh khi làm bài nên phải bình tĩnh, tự tin chọn câu dễ làm trước rồi đến câu khó. Trước 5 phút hết giờ làm bài dò lại một lần, tuyệt đối phải tô đủ số câu. Khi bị phân tâm, các em nhớ hít sâu vào và từ từ thở ra cho tâm mình an trở lại, cũng nên uống một chút nước lọc để giúp giải tỏa nhiệt cơ thể và quá trình điện giải tốt hơn.

Còn thầy Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn nghiêm trọng tại một số thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam nên những thí sinh ở tỉnh này sẽ thi đợt sau. Tuy nhiên, học sinh thi đợt sau không nên quá lo lắng sợ đề thi khó hay mất cơ hội vào trường đại học, bởi ngân hàng đề thi rất lớn nên độ khó của hai đề đợt 1 và 2 như nhau. Bên cạnh đó, đa số các trường đều căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký ngành nghề để dành ra một chỉ tiêu theo tỉ lệ nhất định cho những thí sinh thi đợt sau.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức