Những ngày gần đây, phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành là tâm điểm check-in của người dân, công chúng, du khách trong và ngoài nước bởi hàng loạt mô hình trang trí về văn hóa lịch sử, trải dài từ đầu đường Nguyễn Huệ cho đến bến Bạch Đằng, khiến mọi người không khỏi trầm trồ, thích thú.
Cô Đặng Ngọc Thanh, ngụ tại Quận 4, TP Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: “Tôi đã đi dọc con đường để chiêm ngưỡng tất cả các mô hình, từ hình ảnh xe tăng, chiến sĩ tiến vào Sài Gòn cho đến những biểu tượng hòa bình, mọi chi tiết đều được làm rất tỉ mỉ, công phu”.
Người dân thích thú chụp hình với các mô hình.
Tương tự, cô Đặng Thị Ngọc Thúy cùng nhóm bạn, trong trang phục áo dài và áo bà ba truyền thống, tay cầm cờ đỏ sao vàng, tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt bên các biểu tượng.
“Là người con của Thành phố, dịp này, tôi thấy rất vinh dự, tự hào. Không gian được trang trí đẹp mắt, tinh tế, phản ánh hình ảnh một TP Hồ Chí Minh phát triển và giàu bản sắc”, cô Thúy bày tỏ.
Nổi bật giữa không gian là mô hình tái hiện chiến thắng mùa Xuân năm 1975, với hình ảnh bộ đội và xe tăng tiến về phía trước. Trên cao là dòng chữ thể hiện thông điệp về sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, gợi lại khí thế hào hùng của ngày giải phóng. Bên cạnh việc tôn vinh quá khứ, các mô hình còn truyền tải khát vọng tương lai với hình ảnh tàu tri thức, sách vở, địa cầu, tên lửa và phi hành gia - biểu tượng cho đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Một bức tranh lớn được trưng bày tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Không ít bạn trẻ gọi đây là “photobooth của Tổ quốc”, nơi ghi dấu hình ảnh bản thân bên những biểu tượng lịch sử thiêng liêng. Thái Ngọc, sinh viên Trường Đại học FPT, đến từ Tiền Giang cho biết: "Em đến phố đi bộ Nguyễn Huệ để chụp ảnh và thu thập tư liệu cho đồ án tốt nghiệp, thấy các mô hình không chỉ đẹp mà còn mang nhiều thông tin bổ ích”.
Người dân chụp ảnh lưu niệm với mô hình xe tăng trên bãi cọc Bạch Đằng.
Bên cạnh đó, triển lãm nghệ thuật mở với các mô hình xe tăng, tiểu cảnh trận Bạch Đằng năm 1288 cùng hình tượng Thần Bảo Hộ uy nghiêm, cũng thu hút sự chú ý. Mô hình xe tăng nặng khoảng 3 tấn, dựng theo tỷ lệ thật và treo ngược trên cọc Bạch Đằng, tạo hiệu ứng thị giác độc đáo, gợi nhắc chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
Các bạn trẻ check-in lưu lại những kỷ niệm khó quên của lịch sử.
Bạn trẻ Kim Oanh (ngụ Quận 12, TP Hồ Chí Minh) ấn tượng nhất với mô hình trận Bạch Đằng: “Lần đầu tiên em được tận mắt thấy một mô hình hoành tráng như vậy; vừa đẹp, vừa có giá trị giáo dục về lịch sử dân tộc.”
Không gian trưng bày mô hình mở, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Từ ngày 29 - 30/4, phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực bến Bạch Đằng sẽ sôi động hơn nữa với chuỗi chương trình nghệ thuật đường phố, bao gồm xiếc, ảo thuật, hát bội, nhạc kèn, võ thuật và trình diễn thuyền hoa trên sông Sài Gòn; hứa hẹn sẽ là bữa tiệc văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm không khí lễ hội chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.