02:06 07/02/2020

TP Hồ Chí Minh chung tay ‘giải cứu’ nông sản cho nông dân

Tác động của dịch bệnh do virus Corona khiến các mặt hàng nông sản ở các tỉnh thành gặp khó khăn về tiêu thụ. Vì vậy, người dân TP Hồ Chí Minh đã tham gia thu mua "giải cứu" nông sản cho nông dân các tỉnh lân cận.

Người người tham gia ‘giải cứu' nông sản

Những ngày này, các ngả đường ngoại thành TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều điểm bán dưa hấu, thanh long… với tấm bảng “giải cứu” nông sản cho nông dân. Theo các hộ dân bán dưa hấu, những quả dưa hấu chính mọng đến ngày chở đi bán nhưng không thể xuất qua Trung Quốc nên bị ùn ứ hàng chục ngàn tấn vì ảnh hưởng của virus Corona đã buộc người dân các tỉnh phải vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh để người tiêu dùng thành phố “giải cứu”.

Chú thích ảnh
Một điểm "giải cứu" dưa hấu tại quận 9  chỉ trong một buổi sáng đã bán hết mấy trăm kg dưa hấu từ Gia Lai mang xuống TP Hồ Chí Minh bày bán. 

Trong hai ngày 5 - 6/2, tại đường Lê Văn Việt (quận 9), có một chiếc xe tải chở hàng trăm kg dưa hấu từ tỉnh Gia Lai đậu trên vỉa hè để bày bán dưa hấu cho người qua đường. Giá bán chỉ bằng 1/3 so với giá ngày thường, giá bán sỉ khoảng 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ 5.000 đồng/kg bao gồm chi phí vận chuyển và chuyên chở tận nhà.

Chị Mai Thúy Anh, ngụ phường Phú Hữu, quận 9 cho biết, mấy hôm nay theo dõi trên báo đài thấy nông dân trồng dưa hấu không bán được hàng do hàng hóa không xuất qua Trung Quốc vì dịch bệnh. Trên đường đi làm về thấy để bảng kêu gọi ủng hộ nên chị ghé vào xem và mua 15 kg dưa hấu ủng hộ cho bà con. Với giá bán chỉ 3.000 đồng/kg chắc chỉ đủ vốn trồng trọt chứ người nông dân lấy đâu ra lời.

Tương tự, tại chung cư Chương Dương, chung cư Tam Phú (quận Thủ Đức), hai ngày nay mọi người chứng kiến cảnh nhà nhà tay xách nách mang dưa hấu về từ một điểm “giải cứu” trong khu chung cư.

Chú thích ảnh
Dưa hấu cần "giải cứu" được bày bán khá rẻ tại các siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh.

Chị Nguyễn Thị Thủy, ngụ ở chung cư Tam Phú (quận Thủ Đức) cho biết, thấy bà con treo biển “giải cứu” nông sản vì vậy chị Thủy ủng hộ bà con 10 trái dưa hấu, vừa để ăn dần và cũng để ép nước cho các con uống tăng sức đề kháng trong mùa dịch bệnh. “Mỗi người hỗ trợ một ít, nông dân trồng dưa hấu chắc cũng bớt khổ. Giá dưa bán “giải cứu” ở đây chỉ 5.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/3 so với giá dưa hấu bình thường mua ở chợ”, chị Thủy nói.

Cùng cảnh ngộ với đang cần “giải cứu” như dưa hấu, mặt hàng trái cây thanh long, sầu riêng… nghịch mùa ở các tỉnh miền Tây cũng đang cầu cứu đầu ra vì đang bị bị ùn ứ hàng chục tấn không xuất khẩu được qua Trung Quốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona.

Đang bày bán một xe tải thanh long ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp, anh Nguyễn Khải Hoàn, quê ở tỉnh Long An cho biết, các nhà vườn miền tây bình thường rất vất vả, nếu trồng thanh long mùa này là nghịch mùa lại càng vất vả hơn do phải chăm sóc kỹ lưỡng mới cho trái đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên vì dịch bệnh corona mà hàng trăm hecta thanh long của Long An bị ngưng trệ, quá lứa. Bán cho thương lái thì bị họ ép giá hơn, nghĩ tiếc công sức trồng trọt nên đành thuê xe tải chở hàng lên TP Hồ Chí Minh bán dạo để mong đủ vốn. Do đó, lên đây bán hy vọng bán được bao nhiêu thì bán, chứ cũng không mong muốn gì hơn. ”Cũng mừng, người dân TP Hồ Chí Minh rất hào sảng, thương người nên chỉ trong vòng 3 tiếng bày bán hơn 400 kg thanh long của tôi đã được bán hết hàng. Ngày mai, tôi sẽ mang thêm 300 kg số thanh long còn lại trong vườn lên bán”, anh Hoàn nói.

Hệ thống bán lẻ hiện đại vào cuộc

 

Chú thích ảnh
Thanh long được bày bán khá nhiều tại hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, Sở đang vận động các chuỗi cửa hàng phân phối cố gắng tiêu thụ đầu ra cho một số nông sản đang bị ảnh hưởng do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.Tương tự, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng tính đến chuyện đưa hàng hóa trên vào các siêu thị sẵn có trên địa bàn, đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm đưa trái cây xuất khẩu vào chợ truyền thống.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, trước mắt để “giải cứu” các loại nông sản đang ùn ùn đổ về thành phố tiêu thụ, hiện nay Sở Công thương thành phố đã giới thiệu cho các địa phương những hệ thống siêu thị hiện đại như: Sài Gòn Co.op, Big C, Mega Market… Đây là những hệ thống siêu thị có nhiều chi nhánh ở các tỉnh khắp cả nước. Thị trường phía Nam có thể tiêu thụ không nhiều nhưng đối với thị trường miền Trung và miền Bắc hứa hẹn sẽ tiêu thụ mạnh hơn để giải cứu nông sản cho bà con, Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có quy hoạch về chăn nuôi trồng trọt.

Những ngày này các siêu thị hiện đại tại TP Hồ Chí Minh cũng đứng ra thu mua hàng chục ngàn kg dưa hấu, thanh long, cá basa… của nông dân để đem đến tận tay người tiêu dùng thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Từ ngày 5/2, hệ thống siêu thị Big C và GO!, quyết định triển khai chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long” với mục tiêu tiêu thụ khoảng 40 tấn trái cây mỗi loại (thanh long, dưa hấu). Theo kế hoạch, giá dưa hấu dao động từ 4.900 - 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán có giá 10.900 - 15.500 đồng/kg.

Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, chương trình này là chương trình bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu, nhằm kích cầu tiêu thụ, chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chương trình được thực hiện trên toàn bộ hệ thống 37 siêu thị toàn quốc và sẽ kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của bà con các tỉnh thành này dần đi vào ổn định.

Tương tự, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op từ ngày 6/2 cũng sẽ bán hàng không lợi nhuận đặc biệt cho 3 mặt hàng nông sản thanh long, dưa hấu và cá basa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cụ thể, giá bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ từ 4.800 - 9.900 đồng/kg, dưa hấu có giá 9.500 đồng/kg tùy theo khu vực địa lý của siêu thị. Riêng mặt hàng mặt hàng cá basa nguyên con không đầu đạt chuẩn xuất khẩu là 44.500 đồng/kg. Tổng lượng dự kiến tiêu thụ của 3 mặt hàng nông thủy sản này trong thời gian tới khoảng 6.000 tấn.

Liên kết các nhà để bao tiêu đầu ra

Lý giải nguyên nhân của tình trạng được mùa rớt giá, trồng - chặt các loại nông sản như vừa qua, TS Đỗ Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, đầu tiên là do bà con nông dân phá vỡ quy hoạch của từng loại nông sản, ngành hàng mà Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương đã đưa ra.Ví dụ 2 năm nay, ở tỉnh Gia Lai, diện tích trồng hồ tiêu đã lên tới 15.500 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ là 6.000 ha. Thứ hai là do việc công bố các quy hoạch trồng trọt chăn nuôi chưa sâu rộng, chưa đi sâu đi sát tới nông dân nên bà con không có định hướng trồng trọt ra sao, nuôi con gì phù hợp… mà vẫn trồng trọt chăn nuôi theo cảm tính.

Chú thích ảnh
Dưa hấu, thanh long là những loại nông sản thường xuyên được các siêu thị hiện đại "giải cứu" do ảnh hưởng từ công tác quy hoạch, dịch bệnh khi trồng trọt tại các tỉnh phía Nam.

“Muốn làm kinh tế nông nghiệp thành công, trước tiên phải biết thị trường cần gì, muốn gì, tìm hiểu nguồn ra và chủ động các phương án để tiêu thụ sản phẩm. Sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền địa phương là cần thiết, nhưng về sau nông dân sẽ phải tự chủ động, tự làm mới phát triển bền vững” ông Anh Tuấn nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cho rằng cốt lõi cho vấn đề tiêu thụ nông sản ở nước ta là các cơ quan chức năng phải tập trung nghiên cứu và dự báo về thị trường để cung cấp cho nông dân lẫn doanh nghiệp. Phải có dữ liệu thì mới biết trồng cây gì, nuôi con gì và ở mức độ bao nhiêu là phù hợp. Đối với định hướng quy hoạch, các cơ quan chức năng cũng cần phải linh hoạt theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường, còn như hiện nay quy hoạch hình thức và máy móc, không xuất phát từ nhu cầu thị trường nên nông dân mới trồng trọt theo ý thích.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhằm hạn chế tình trạng nông dân đổ xô trồng - chặt, các địa phương cần hình thành các hợp tác xã để nhóm vào các mặt hàng, không để nông dân tự phát. Từ đó, kiểm soát được nguồn cung, nguồn cầu sản phẩm, tránh tình trạng nguồn cung quá lớn vượt so với nguồn cầu. Bên cạnh đó, cần thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tăng cường chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, sẽ không còn cảnh được mùa rớt giá, trông đợi vào việc người người, nhà nhà tham gia “giải cứu” như hiện nay. Nghĩa là phải giải quyết “đầu ra” cho nông sản, mấu chốt vấn là phải phát triển được chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như tình trạng trái cây đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức