10:09 31/10/2011

TP HỒ CHÍ MINH: Chuẩn bị hàng Tết

Còn khoảng 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những ngày này, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá của UBND TP.HCM đang tất bật với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho mùa tiêu dùng lớn nhất trong năm.

Còn khoảng 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những ngày này, các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn giá của UBND TP.HCM đang tất bật với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho mùa tiêu dùng lớn nhất trong năm.

Nguồn hàng phong phú

Tại hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op, nhiều mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn… đã được chốt giá sớm. Những mặt hàng khác, để tránh biến động giá mạnh, bộ phận thu mua của DN đang tập trung vào nguồn hàng bình ổn chất lượng có giá tốt, chủ động mua hàng số lượng lớn. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Chúng tôi đã thông qua kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết với tổng giá trị lên đến 2.800 tỉ đồng, tổ chức dự trữ khoảng 20.000 tấn hàng các loại, tăng từ 3 - 5 lần so với sản lượng được giao. Chúng tôi cũng tiến hành ứng vốn cho các hợp tác xã, hộ nông dân để có nguồn rau củ quả đầy đủ nhất, tránh biến động giá bất ngờ”.

Cuối năm, người dân vùng sâu, vùng xa có nhiều cơ hội mua hàng giá rẻ từ các chuyến bán hàng lưu động của các DN tham gia chương trình bình ổn giá.


Trong khi đó, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) với 8 đơn vị trực thuộc và 16 công ty thành viên chuyên sản xuất hàng tiêu dùng cũng đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng khá dồi dào. Theo kế hoạch, DN sẽ chuẩn bị 29.530 tấn hàng các loại với tổng trị giá 1.397 tỷ đồng để dự trữ và bán ra trong dịp Tết nhằm bình ổn thị trường. Theo Sở Công Thương, hiện nhiều DN đã sẵn sàng nguồn cung cho thị trường Tết như: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn chuẩn bị 900 tấn gạo, Công ty TNHH Ba Huân chuẩn bị 19 triệu quả trứng gia cầm, riêng Vissan được giao chỉ tiêu dự trữ khoảng 3.000 tấn thịt/tháng, nhưng do dự báo nhu cầu của thị trường sẽ tăng DN đã chủ động chuẩn bị tăng thêm gần 50%...

Hiện trên địa bàn thành phố đã có 2.527 điểm bán hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 359 điểm so với Tết Tân Mão 2011. Theo kế hoạch đến Tết Nguyên đán 2012, TP.HCM sẽ phát triển thêm khoảng 100 điểm bán, trong đó có 15 cửa hàng văn minh tiện ích bán hàng bình ổn giá và vận động 24 hợp tác xã tại địa bàn các quận, huyện tham gia làm cửa hàng trung tâm phân phối hàng bình ổn giá. “Với mạng lưới bán hàng bình ổn trên và những đợt bán hàng lưu động tại các KCX, KCN và các huyện vùng sâu, vùng xa… chúng tôi tin năm nay người dân sẽ có nguồn hàng phong phú cho những ngày Tết”, bà Lê Ngọc Đào-PGĐ Sở Công Thương nói.

Giá sẽ bình ổn

Thực tế mọi năm, nhóm hàng thực phẩm thường tăng giá cao vào dịp cuối năm do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng đột biến. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, năm nay nếu giá có tăng thì mức tăng cũng sẽ ít do kinh tế vẫn còn khó khăn đã tác động đến tình hình mua sắm, trong khi nhiều mặt hàng giá vẫn đang cao do chịu sự tác động tăng của những tháng đầu năm. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy hiện giá bán ra của nhiều mặt hàng tiêu dùng đang có chiều hướng giảm khoảng 10% so với cách đây 1 - 2 tháng. Những mặt hàng khác giá bán hầu hết đang ổn định. Theo bà Thu, đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được thông báo mới của các nhà cung cấp về việc điều chỉnh tăng giá. Trong khi đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm nhờ nguồn cung dồi dào đã góp phần giảm khả năng biến động về giá.

Tại TP.HCM, hàng hóa phục vụ thị trường Tết được xác định từ 3 nguồn cung chính, bao gồm: Nguồn hàng hóa do các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường với khả năng cung ứng chiếm 30 - 40% thị phần, 3 chợ đầu mối chiếm 40 -50% thị phần và còn lại thuộc các DN khác. Theo Sở Công Thương, đến nay lượng hàng hóa do các DN dự trữ phục vụ Tết tăng từ 10 - 20% so với cùng kỳ 2010. Cụ thể, thịt gia cầm dự kiến chiếm khoảng 85%, thịt gia súc 32%, trứng gia cầm 65%, thực phẩm chế biến và đường chiếm 48%... so với nhu cầu tiêu dùng của thị trường. “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay rất nhiều DN đang chấp nhận lãi ít, tiết kiệm chi phí đầu vào để giảm giá bán ra nhằm thu hút người mua, giải phóng hàng. Vì vậy, chúng tôi tin giá thị trường Tết sẽ khó có nhiều biến động”, bà Đào khẳng định.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa