03:01 09/03/2012

TP Hồ Chí Minh: Cấp bách phòng chống dịch bệnh

Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh như: Tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết và dịch cúm gia cầm phát triển thành dịch…

Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh như: Tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết và dịch cúm gia cầm phát triển thành dịch… Do đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn các quận huyện, phường, xã triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, khống chế không cho dịch bệnh bùng phát.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Tại buổi giao ban quận/huyện về tình hình dịch bệnh tháng 3/2012, bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại TP.HCM hiện đang ở mức báo động. Hiện mỗi tuần có khoảng 143 ca mắc. Từ đầu năm đến nay có 936 ca mắc TCM, riêng trong tháng 2 có 498 ca (tăng khoảng 14% so với tháng 1). Đáng lưu ý là có đến 65% số phường, xã trên địa bàn TP.HCM có ca mắc bệnh. Theo bác sỹ Thọ, tình hình dịch TCM năm 2012 bắt đầu diễn tiến nhanh từ giữa tháng 3. Do đó, các quận, huyện cần phải triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch TCM.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.


Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, TP.HCM cũng ghi nhận có 1.728 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 25% so với cùng kỳ. Riêng tháng 2 có 785 ca (giảm 16,8% so với tháng 1/2012). Mặc dù bệnh SXH có chiều hướng giảm, tuy nhiên theo dự báo khả năng tử vong sẽ ở mức độ cao bởi số ca bệnh ở thể nặng tăng nhiều hơn so với mọi năm. Đáng lưu ý là có đến 78% số phường, xã có ca mắc bệnh với khoảng 234 ca mắc/tuần.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ cũng cho biết: Hiện nay, tuy TP.HCM chưa có ca bệnh cúm A/H5N1 nhưng các tỉnh lân cận đã có ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 trên người nên khả năng dịch bệnh này tấn công vào thành phố là rất cao. Theo đó, ngày 7/3, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cũng cho biết: Bệnh viện đang cách ly, điều trị tích cực cho một bệnh nhân với đầy đủ những triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm A/H5N1. Bệnh nhân N.Đ.T. (sinh năm 1981, ngụ Đắk Lắk) nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM tối 5/3 trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, sốt cao liên tục, mệt mỏi... Bệnh nhân ngay lập tức được cho thở máy và điều trị cách ly. Được biết, trước đó, bệnh nhân đã ăn thịt gà bệnh do nhà nuôi. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện ho và sốt cao liên tục. Bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị ở nhà trong 3 ngày đầu nhưng không khỏi thì nhập Bệnh viện Đắk Lắk. Được điều trị đến ngày thứ 6 nhưng tình trạng không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Hiện tình trạng bệnh nhân vẫn diễn biến nặng, phải được cách ly, điều trị tích cực, thở máy, dùng kháng sinh, taminflu theo đúng phác đồ điều trị cúm A/H5N1.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài ở khu vực phía Nam thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virút, vi trùng phát triển khiến cả người lớn và trẻ em đều dễ mắc phải những loại bệnh như hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa, thủy đậu… Để tránh nguy cơ mắc phải những loại bệnh này, bác sĩ khuyến cáo người dân nên giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tuyệt đối thực hiện ăn chín, uống sôi.

Thành lập 6 đoàn kiểm tra dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến trong tháng 3, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra hoạt động phòng chống dịch tại các quận, huyện, phường, xã và trường học. Bên cạnh đó, 6 đoàn kiểm tra này còn tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế phường, xã. Ngoài ra, các quận, huyện cũng thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch. Ngành y tế khuyến cáo mỗi người, mỗi nhà, nhất là những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải vệ sinh mỗi ngày và khử khuẩn hàng tuần.

Các trường học cũng cần phải báo cáo số phòng học về trung tâm dự phòng để được cấp phát đúng số hóa chất cloramin B khử khuẩn. Từ tháng 3 đến tháng 5/2012, các trường mầm non mỗi tháng một lần được cán bộ y tế hướng dẫn cách khử khuẩn và giám sát vệ sinh hàng ngày. Sở Y tế sẽ cung cấp hóa chất cloramin B cho các trường mầm non để khử khuẩn hàng tuần và xử lý ổ dịch. Các trường học phải có đủ vòi nước để rửa tay, tầm soát bệnh truyền nhiễm. Tuyên truyền tạo đồng thuận với phụ huynh không đưa trẻ bị bệnh tới trường, giám sát phát hiện trẻ ở trường lớp; làm sạch vệ sinh môi trường, khử khuẩn ngay khi có trẻ mắc bệnh; quản lý trẻ nghỉ học do bệnh ở lớp, báo cáo ngay cho y tế cơ sở.

Bác sỹ Thọ cho biết, hiện dịch SXH vẫn đang lưu hành trên diện rộng nên Trung tâm y tế dự phòng phải triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch. Để xử lý ổ dịch mang tính chất bền vững sẽ phun hóa chất trên diện rộng.

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng dự phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm như các bệnh tiêu chảy cấp nghi tả và ngộ độc thực phẩm trong mùa khô, cúm gia cầm và trên người. Khuyến cáo mọi người không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, thông báo ngay khi có gia cầm chết và không ăn thịt gia cầm chết. Hướng dẫn những người mua bán gia cầm, giết mổ và các sản phẩm liên quan đến gia cầm thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh thú y để phòng bệnh cúm gia cầm lây qua người. Đồng thời, đảm bảo nhân sự đáp ứng yêu cầu chống dịch khi có ca bệnh/chùm ca bệnh nghi do cúm gia cầm; chuẩn bị đủ dụng cụ, hóa chất chống dịch.

Đan Phương