10:08 13/10/2011

TP Hồ Chí Minh: Cảnh giác với “bà hỏa”

Thông thường những tháng cuối năm là thời điểm mùa mưa rất dễ xảy ra chập cháy do điện và lượng hàng hóa về các chợ nhiều. Vì vậy, đây được coi là thời điểm có nguy cơ về cháy nổ cao. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn có thái độ thờ ơ với “bà hỏa” càng khiến nguy cơ mất an toàn về PCCC.

Thông thường những tháng cuối năm là thời điểm mùa mưa rất dễ xảy ra chập cháy do điện và lượng hàng hóa về các chợ nhiều. Vì vậy, đây được coi là thời điểm có nguy cơ về cháy nổ cao. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn có thái độ thờ ơ với “bà hỏa” càng khiến nguy cơ mất an toàn về PCCC.

Nguy cơ cao

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, tính trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong đó có trên 5.000 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, còn có trên 227 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với hàng chục ngàn quầy, sạp chen chúc nhau đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn PCCC. Đặc biệt, vào dịp cuối năm tại các chợ có lượng hàng hóa tập trung về gấp 3-4 lần so với ngày thường càng có nguy cơ xảy ra cháy nổ nếu người dân không cảnh giác.

Cần đưa công tác PCCC trở thành phong trào quần chúng rộng khắp.


Dạo quanh các chợ tập trung lượng hàng hóa lớn của TP như chợ Bình Tây (quận 6) chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh)… mỗi sạp hàng tại các chợ này chỉ rộng chừng từ 1,2-1,5 m2, ngoài ra diện tích lối đi, lối thoát hiểm đáng ra được dành cho khách hàng và thoát hiểm khi có sự cố về cháy, nhưng đa số được các chủ quầy hàng tận dụng để hàng hóa khiến nguy cơ mất an toàn về cháy càng cao.

Không chỉ các chợ truyền thống tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao vào dịp cuối năm mà ngay tại các khu dân cư, nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh cũng đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nguyên nhân do nhiều chủ đầu tư công trình vi phạm về an toàn PCCC. Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC, toàn TP có hơn 1.079 nhà cao từ 5 tầng trở lên, bao gồm 336 tòa nhà cao từ 10 tầng. Qua kiểm tra, hầu như công trình nào cũng có vi phạm về an toàn PCCC, trong đó có đến 638 công trình vi phạm tới mức phải lập biên bản xử. Đơn cử tại một số chung cư 300 Bến Chương Dương, chung cư 60 Nguyễn Trãi (quận 1), chung cư Lý Thường kiệt (quận 10), chung cư Hùng Vương (quận 5)...

Thường xuyên kiểm tra

Trong thời gian qua, trên địa bàn TP đã xảy ra 91 vụ cháy (giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái), khiến 3 người chết và 16 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 43.896,237 triệu đồng. Tuy nhiên, các cơ quan PCCC và người dân vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh xảy ra những tai nạn về cháy nổ.

Đáng lo ngại là theo quy định về PCCC, một năm cảnh sát PCCC đi kiểm tra 4 lần (đối với một cơ sở), khi đi kiểm tra, cảnh sát PCCC phải thông báo cho cơ sở đó trước 3 ngày nên khi cán bộ kiểm tra xuống đến nơi thì cơ sở đó đã dọn sạch sẽ những vi phạm. Vì vậy, để tránh tình trạng này, Sở Cảnh sát PCCC rất cần các đơn vị cơ quan quản lý tại địa phương phối hợp với Sở PCCC để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra để nắm bắt những cơ sở, đơn vị nào thiếu trách nhiệm để có mức xử phạt phù hợp.

Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Để PCCC tốt người đứng đầu cơ quan quần chúng phải tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp lệnh PCCC. Tổ chức đầy đủ lực lượng tập huấn có trang bị đầy đủ kiến thức PCCC, tổ chức mua sắm trang bị phương tiện đủ để đảm bảo xử lý ban đầu nếu có xảy ra cháy trên địa bàn phụ trách. Ngoài ra, phải tổ chức cải tạo chỉnh trang sửa chữa điện đường, sinh hoạt… bởi trong năm qua, nguyên nhân cháy do chập điện chiếm trên 60%. Đối với các chung cư cao tầng, người quản lý, ban điều hành phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, tổ chức tuyên truyền các an toàn trong PCCC tại đường thoát nạn, nơi để xe…

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết