07:10 17/07/2021

TP Hồ Chí Minh 'căng mình' trong cuộc chiến với dịch COVID-19 - Bài 2: Toàn lực chặn đà lây lan

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh với tốc độ nhanh, vượt quá sự chuẩn bị, sẵn sàng của thành phố.

Thực tế này đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn trong chiến lược chống dịch, để sớm chặn đứng đà lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là thần tốc tổ chức truy vết, khoanh vùng, "tách" các ca F0 ra khỏi cộng đồng.

Thần tốc truy vết F0

Trước diễn biến gia tăng của các ca mắc COVID-19, đặc biệt là khi số lượng ca nghi nhiễm trong cộng đồng, không rõ yếu tố dịch tễ vẫn còn cao, công tác truy vết các F0 càng phải thần tốc, sớm "tách" được F0 khỏi cộng đồng.

Chú thích ảnh
Thành phố Thủ Đức có thêm 2 phường bị phong tỏa để phòng dịch, ngày 15/7/2021. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 5/2021, các lực lượng trên khắp các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đặc biệt lực lượng y tế ở cơ sở đã tích cực thực hiện các hoạt động khoanh vùng, truy vết một cách khẩn trương, thần tốc để hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trong đợt cao điểm kiểm soát dịch COVID-19, Thành phố đã sắp xếp, tổ chức lại bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng.

Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

“Việc phân công lực lượng này nhằm đảm bảo 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các trường hợp F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các trường hợp F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Trên cơ sở đó, quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa”, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Về việc khoanh vùng, theo HCDC, Thành phố đã tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn nữa ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2. Để có căn cứ khoanh vùng, nhân viên điều tra dịch tễ tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý.

Với phương châm trên, từ 26/5 đến ngày 14/7/2021, toàn thành phố đã lấy gần 1,96 triệu mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...), trong đó trên 1,7 triệu mẫu có kết quả, 254.628 mẫu đang chờ chờ kết quả. Các phòng xét nghiệm đã thực hiện gần 1 triệu mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện Thành phố tiếp tục lên phương án tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm và quyết định khu vực nào cần phong tỏa, khu vực nào cần xét nghiệm tầm soát diện rộng để phát hiện ổ dịch tiềm ẩn và xử lý kịp thời.

Đồng thời, lặp lại xét nghiệm tầm soát để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng, trong đó khu vực phong tỏa xét nghiệm lặp lại mỗi 2 - 3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao xét nghiệm lặp lại mỗi 5 - 7 ngày/lần. Song song đó, TP Hồ Chí Minh triển khai phương án lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cho người dân nhằm tầm soát và phát hiện sớm người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Về công tác tổ chức xét nghiệm, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố yêu cầu không để tình trạng tồn mẫu xét nghiệm, chậm trả kết quả dẫn đến việc chậm "tách" trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng và đưa đi điều trị theo quy định. Đồng thời, các địa phương phải bố trí nơi cách ly tạm thời cho trường hợp dương tính trong thời gian chờ di chuyển đến khu điều trị tập trung theo quy định.

Có thể nói, để nỗ lực thực hiện các mục tiêu thần tốc "tách" F0 ra khỏi cộng đồng, trong những ngày qua, các đơn vị xét nghiệm tại Thành phố đã chạy hết công suất, ngày đêm khẩn trương xác định ca nhiễm. Nhấn mạnh phải chuẩn bị công tác xét nghiệm của Thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Năng lực xét nghiệm của thành phố đang quá tải. Ngành Y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn thành phố (xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày).

Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các trường hợp F1 đang ở trong khu cách ly tập trung”. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, với trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1, Thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. “Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm Xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn Vingroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Tổng lực các giải pháp

Do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại Thành phố và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn, công tác kiểm soát dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhất là kiểm soát chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh.

Trước tình hình trên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đang tập trung vào 5 tuyến công việc trụ cột. Đầu tiên là giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.

Trước khi bước vào “trận đánh” mang tính quyết định - triển khai Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày từ 0 giờ ngày 9/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ: "Thành phố cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm cho sự phát triển dài hạn".

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu cả hệ thống chính trị cần tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch để đạt kết quả cao nhất.

Tuyến tấn công thứ hai là xét nghiệm, tầm soát nhanh, "tách" F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn nguồn lây lan. Tiếp theo là thực hiện cách ly các trường hợp F1 và thu dung, điều trị các F0. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng, các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ, việc cân nhắc và lựa chọn giải pháp để triển khai là tùy thuộc vào tình hình thực tế. Việc triển khai cách ly các trường hợp F1 và F0 tại nhà sau thời gian rút ngắn điều trị tại bệnh viện cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Thành phố đã chuẩn bị tổng cộng 24 bệnh viện dã chiến, đã hoàn thành 19 cơ sở và đang hoàn thiện 5 bệnh viện, tổng quy mô dự kiến khoảng 45.000 giường. Thành phố đã xây dựng mô hình tháp điều trị COVID-19 với 4 tầng. Cụ thể, tầng một gồm các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 (hiện có khoảng 30.000 giường), tiếp nhận các F0 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Tiếp đó là tầng hai điều trị F0 có triệu chứng với 2.500 giường; tầng ba điều trị F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch với 3.000 giường.

Cuối cùng là tầng thứ 4, cao nhất dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, với 1.200 giường hồi sức, gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy 100 giường, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 100 giường và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có 1.000 giường. "Đây là khối lượng công việc, áp lực rất lớn. Khi dịch đạt đỉnh, số ca nhiễm nặng sẽ nhiều hơn, phải sử dụng đến thiết bị điều trị hồi sức. Do đó, nhiệm vụ nặng nề thời gian tới là hạn chế ca tử vong”, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Cuối cùng, Thành phố đang thực hiện chiến lược tăng độ bao phủ vaccine, đây là giải pháp rất quan trọng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đợt tiêm vaccine thứ 5 bắt đầu từ 18/7 với 1,1 triệu liều vaccine và dự kiến hoàn thành trong 2 -3 tuần. Trước đó, qua 4 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, toàn thành phố đã tiêm cho 991.872 người, trong đó có 943.215 người được tiêm mũi 1 và 48.657 người được tiêm đủ 2 mũi.

Thực hiện chiến lược vaccine, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm các nguồn vaccine để tiêm cho người dân. Mục tiêu đến cuối năm 2021, Thành phố có 15 triệu liều để tiêm cho hơn 70% dân số. Để chuẩn bị nguồn lực cho chiến lược này, bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách, đến nay thông qua các cuộc vận động, kêu gọi chung tay của cộng đồng, hàng trăm cá nhân, đơn vị đã đăng ký đóng góp hơn 2.293 tỷ đồng ủng hộ mua vaccine phòng COVID-19.

Nhằm kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trực 24/24 để xử lý công việc. Cùng với đó, Thành phố đã khẩn trương thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2; Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo thành phố; Trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trong thời gian đại dịch COVID-19 để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu; Trung tâm điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19...

Với những giải pháp cụ thể trước mắt cũng như chiến lược lâu dài mà TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi, chặn đà lây của dịch COVID-19 đưa nhịp sống của người dân Thành phố trở lại bình thường sớm nhất.

Bài 3: " Cuộc chạy đua" bên trong các bệnh viện điều trị COVID-19

Hoàng Tuấn (TTXVN)