07:12 17/07/2021

TP Hồ Chí Minh 'căng mình' trong cuộc chiến với dịch COVID-19 - Bài cuối: Chung niềm tin chiến thắng

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt y bác sĩ đã lên đường hỗ trợ cho tuyến đầu. Gác lại việc nhà, xa con thơ, họ sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Có người có mặt ở "điểm nóng" chỉ sau 2 tiếng điều động, có người không kịp về nhìn mặt người thân lần cuối, có người đã bỏ lỡ những giây phút quan trọng của đời người... Tất cả chỉ vì mục tiêu chiến thắng đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Các y bác sỹ Trung tâm y tế Quận 7 thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho công nhân tại Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Dồn sức cho "trận đánh cuối"

Sáng 14/7, bác sĩ trẻ Huỳnh Công Đính, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhờ đồng nghiệp cắt mái tóc bồng bềnh lãng tử của mình trước khi xuất phát đến với Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Sau 5 phút, dưới lưỡi kéo vụng về của đồng nghiệp, bác sĩ Đính đã có mái tóc ngắn, gọn gàng và được trêu đùa là rất "cool ngầu". "Tóc là nơi ủ virus nhiều nhất và dễ vướng bẩn nóng nực nhất. Làm trong môi trường mặc bảo hộ 24/24, cắt tóc đi là điều cần thiết, làm việc đỡ vướng và khi vệ sinh, tắm gội cũng sẽ dễ dàng hơn trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ", bác sĩ Đính chia sẻ.

Không chỉ bác sĩ Đính mà toàn bộ bác sĩ hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 đều được đồng nghiệp trang bị cho mái tóc "cool ngầu" như thế trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ, ở thời điểm này, khi các tiệm hớt tóc đều đóng cửa, chính những đồng nghiệp sẽ giúp nhau làm công việc này. "Bao nhiêu sợi tóc rơi xuống là bấy nhiêu tinh thần quyết tâm lăn xả vào cuộc chiến cam go những ngày tới bởi số lượng F0 tại Bệnh viện dã chiến số 4 đang tăng lên mỗi ngày", bác sĩ Vũ bày tỏ.

Cùng với các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chiều 14/7, đội hỗ trợ chuyên về hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng của Bệnh viện Chợ Rẫy với 53 thành viên dày dạn kinh nghiệm (gồm 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng), do bác sĩ Trần Thanh Linh,Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu làm Đội trưởng đã lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường vừa được gấp rút triển khai tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2. “Đây là trận đánh lớn nhất và chúng tôi hy vọng sẽ là trận đánh cuối cùng để đẩy lùi COVID-19", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ trước giờ lên đường.

Với nhiệm vụ phụ trách 300 giường hồi sức nặng và 30 giường hồi sức nguy kịch, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ là lực lượng chủ lực ở đây. Chỉ sau một ngày có mặt, 30 giường hồi sức tích cực dành cho những bệnh nhân COVID-19 cần phải đặt ECMO, hoặc thở máy, lọc máu…đã được thiết lập.  

Theo bác sĩ Linh, trong những ngày tới đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ kết hợp chặt chẽ với nguồn nhân lực chi viện từ các bệnh viện khác để thành lập các ê-kíp, đảm bảo cho sự vận hành của trung tâm gồm 1.000 giường hồi sức tích cực tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2.

Cũng lên đường sau khi nhận lệnh điều động chỉ sau vài giờ đồng hồ, sáng sớm 8/7, bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện cùng 44 đồng nghiệp khác đi vào điểm nóng. "Khi chúng tôi đến Bệnh viện dã chiến số 3, trước mắt là ngổn ngang trang thiết bị, bên trong các phòng vẫn trống không. Không ai bảo ai, chúng tôi bắt tay vào sắp xếp phòng ốc và đến trưa tiếp nhận những người bệnh đầu tiên", bác sĩ Ngọc kể về hành trình bước vào cuộc chiến với COVID-19.

Trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" ấy, Thành phố mang tên Bác như càng vững tin hơn bởi sự tiếp sức của lực lượng nhân viên y tế từ các tỉnh, thành bạn. Hơn 3.360 chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh cùng kề vai sát cánh với lực lượng y tế Thành phố. Theo Bộ Y tế, dự kiến sẽ có khoảng 10.000 nhân viên y tế, cùng với đó là hơn 30 lãnh đạo cấp Vụ, Cục có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch được Bộ Y tế điều động tăng cường cho TP Hồ Chí Minh.

Viết khúc "khải hoàn ca" 

Trong cuộc chiến với COVID-19 lần thứ 4, nhiều nhân viên y tế đã gác "niềm riêng" để chìa vai gánh vác nỗi lo chung của toàn Thành phố. Câu chuyện của chị Lê Thị Hiền, điều dưỡng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương là một câu chuyện như thế.

Một buổi chiều nắng gắt, chị Hiền nhận được tin cha mình qua đời. Trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, mồ hôi lẫn những giọt nước mắt của nữ điều dưỡng này không ngừng rơi. Chị Hiền kể lại câu chuyện của mình: "Cha tôi bị tai biến, liệt nửa người. Thường ngày tôi là người trực tiếp chăm sóc cho cha. Khi bệnh viện chuyển đổi công năng, nhiều đồng nghiệp khuyên tôi nên trình bày hoàn cảnh với cấp trên để được sắp xếp tạm thời nghỉ việc, chăm sóc cho cha mình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu ai cũng vì tình riêng, các bệnh nhân sẽ ra sao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã chọn sát cánh cùng đồng nghiệp".

Trước khi rời khỏi nhà, lòng chị Hiền đã ít nhiều bất an nhưng nhìn số ca dương tính ngày một tăng cao, chị biết bản thân mình không thể làm khác được. Khi biến cố xảy ra, dù muốn gặp mặt cha lần cuối nhưng vì đại cuộc, chị Hiền lại một lần nữa lựa chọn ở lại. Chị tin, cha chị linh thiêng sẽ hiểu cho những trăn trở của con gái.

Chị Nguyễn Thị Thắm, điều dưỡng Bệnh viện Thống Nhất đã phải gửi hai con của mình cho ông bà nội ngoại để lên đường nhận nhiệm. Chị đã gửi gắm nỗi niềm của mình trong những dòng thơ xúc động:

Mẹ chuẩn bị lên đường, con phải vững vàng nha
Đừng ủy mị thướt tha làm lung lay lòng mẹ
Dịch dã lan tràn đồng bào mình đang hoạn nạn
Tiếng gọi thiêng liêng, áo trắng mẹ lên đường.
Nếu ở nhà mẹ sẽ nhàn tấm thân
Nhưng đêm ngủ không ngon vì đồng đội vẫn còn đang thức
Các cô phải xa con mình với trăm điều khổ cực
Các em nhỏ hơn con nhiều, nên mẹ chọn, mẹ ra đi.

Cứ như thế, các y bác sĩ TP Hồ Chí Minh dù trẻ hay nhiều năm kinh nghiệm, dù có gia đình hay còn độc thân đã lựa chọn lên đường chống dịch với dòng máu nóng và trái tim "phơi phới dậy tương lai". Không cần một lời hiệu triệu nào, họ sẵn sàng gác lại gia đình, con cái, gác lại những bộn bề lo toan thường nhật để đến với các điểm nóng điều trị bệnh nhân COVID-19.

Từ trung tâm đầu não điều trị COVID-19, tập thể y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mong mỏi "Chúng tôi chọn niềm vui của bệnh nhân và thân nhân khi khỏi bệnh là niềm vui của chính mình. Chúng tôi chung niềm tin chiến thắng dịch... và được trở về nhà".

Đinh Hằng (TTXVN)