03:23 25/03/2012

TP Hồ Chí Minh: Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nhập cư

TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất và cũng là nơi thu hút rất nhiều lao động, kể cả từ các tỉnh thành khác trên cả nước đổ về sinh sống và làm việc.

TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất và cũng là nơi thu hút rất nhiều lao động, kể cả từ các tỉnh thành khác trên cả nước đổ về sinh sống và làm việc. Trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này yên tâm sinh sống và làm việc tại thành phố.

Lao động nhập cư khó tiếp cận các dịch vụ xã hội.


Theo Sở Lao động thương binh và Xã hội TP.HCM, mỗi năm có khoảng hơn 200.000 người nhập cư vào thành phố sinh sống và làm việc. Đa số những lao động ngoại tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện ăn ở, y tế, giáo dục, văn hóa... Trong khi đó, không phải người dân nhập cư nào cũng có thu nhập ổn định.

TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) với 1.062 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng hơn 258.000 công nhân. Trong đó, những người lao động nhập cư chiếm 65% tổng số lao động của thành phố là đối tượng khó khăn nhất. Trong điều kiện sinh hoạt hàng ngày phát sinh nhiều chi phí, dù doanh nghiệp có tăng hỗ trợ bù trượt giá nhưng đời sống công nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Qua khảo sát, thu nhập bình quân của công nhân trực tiếp sản xuất ở doanh nghiệp vốn nước ngoài từ 2,8 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp vốn trong nước từ 2,7 đến 3 triệu đồng/tháng. Ngoài việc thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động vẫn còn nghèo nàn. Công nhân thường xuyên tăng ca nên không có thời gian giải trí, tỉ lệ phòng trọ trang bị phương tiện nghe nhìn còn ít. Tiền lương công nhân không đủ chi tiêu nên chi phí dành cho các hoạt động giải trí, vui chơi rất hạn chế.

Bên cạnh đó, ở TP. HCM một lực lượng lớn những người lao động tự do là dân ngoại tỉnh. Họ chủ yếu làm những công việc như bán hàng rong, vé số, phụ hồ và làm trong các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Những đối tượng này có thu nhập bấp bênh và cũng khó tiếp cận với những chính sách phúc lợi của thành phố. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, quê Quảng Ngãi, tâm sự: “Tôi vô TP.HCM bán hàng rong cũng được 5 năm. Ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về chỗ ở, mỗi tối ngủ chủ phòng trọ lấy 20.000 đồng. Điều kiện ăn ở làm sao mà tốt như ở quê được, nhưng ở quê không biết làm gì nên phải vào thành phố kiếm sống”.

Ông Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (LIN), cho biết: “Theo thống kê, có 90% người Việt Nam di cư từ khu vực nông thôn đến các thành phố lớn không có được sự chăm sóc cơ bản cần thiết. Trong số đó, hơn một nửa lượng người nhập cư tại TP.HCM hiện đang sống ở những điều kiện tồi tệ hơn so với trước khi họ di cư. Những vấn đề này cho thấy các dịch vụ hỗ trợ tài chính cho người lao động di cư vẫn chưa được chú ý đúng mức”.

Để giảm bớt những gánh nặng và những khó khăn cho người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư, trong thời gian qua TP.HCM luôn có những chính sách cho những đối tượng này. Anh Hồ Nghĩa Dũng, Sở lao động Thương binh -xã hội TP.HCM, cho biết: “Trong những năm qua, Sở luôn phối hợp với những tổ chức xã hội, công đoàn của các công ty để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động nhập cư tại TP.HCM. Chẳng hạn, vận động các chủ nhà trọ không tăng giá nhà trọ, điện nước, đưa các mặt hàng bình ổn giá về các KCX - KCN, hỗ trợ các phương tiện nghe nhìn giá rẻ để công nhân giảm bớt khó khăn và có thêm điều kiện giải trí; thăm và tặng quà cho những lao động nghèo, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCX - KCN TP.HCM còn xây dựng đề án xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, tổ chức các đợt khám bệnh định kỳ hoặc có những hoạt động vui chơi giải trí thiết thực khác...”.

Với mong muốn các cấp, các ngành cùng chung tay hỗ trợ công nhân, người lao động trên địa bàn, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các đơn vị như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCX - KCN, UBND các quận, huyện... có những hành động thiết thực nhằm ổn định đời sống người lao động. Đặc biệt, vận động các chủ doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ thêm cho người lao động về bữa ăn, trợ giá điện, xăng và nhà trọ... góp phần động viên cho người lao động an tâm lao động, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Đan Phương