01:19 03/01/2022

TP Hồ Chí Minh: Các trường sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp vào ngày 4/1

Bắt đầu từ sáng mai (4/1), TP Hồ Chí Minh tiếp tục có thêm hàng trăm ngàn học sinh lớp 7, 8, 10 và 11 đến trường học trực tiếp. Ngay sau khi trở lại trường học trực tiếp, các em sẽ được ôn tập lại kiến thức để chuẩn bị thi học kỳ I.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ ngày 4/1, các cơ sở giáo dục trung học sẽ tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh thuộc các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Riêng xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ đi học trực tiếp toàn bộ.

Các trường đã chuẩn bị sẵn sàng

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngay khi UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định cho học sinh các khối lớp 7, 8, 10 và 11 đi học trực tiếp trở lại vào ngày 4/1, các trường đã lên kế hoạch như tổ chức vệ sinh trường lớp; bố trí lệch ca, lệch giờ; chuẩn bị trang thiết bị phòng dịch cũng như bố trí nhân sự...

Chú thích ảnh
Các trường bố trí lệch ca, lệch giờ các khối lớp để đảm bảo giãn cách khi học sinh trở lại trường.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (thành phố Thủ Đức), ngay khi có quyết định cho học sinh đi học trực tiếp trở lại, trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh các khối lớp 10, 11 và trong chiều 3/1 nhà trường đã tập huấn cho học sinh về công tác phòng dịch, cách di chuyển trong thời gian đến trường học trực tiếp.

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết, qua khảo sát, hầu hết phụ huynh đều đồng thuận cho con em đến trường học trực tiếp, chỉ có một vài phụ huynh lo lắng và yêu cầu nhà trường có thêm biện pháp đảm bảo an toàn hơn cho học sinh. 

Thông tin về kế hoạch phòng dịch tại trường, thầy Nguyễn Phương Bình cho biết, trước khi vào trường, học sinh sẽ được đo nhiệt độ, khai báo y tế và được hướng dẫn di chuyển 1 chiều; thường xuyên nhắc nhở học sinh tuân thủ 5K; lên kịch bản xử lý F0 trong trường; vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi buổi học; mỗi buổi học, nhà trường huy động 40 cán bộ, nhân viên trong trường làm công tác hướng dẫn, hỗ trợ, điều tiết việc di chuyển của học sinh, phụ huynh từ cổng trường cho ra tới ngoài đường. 

Chú thích ảnh
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các trường bố trí nhân sự đo thân nhiệt độ học sinh khi vào trường.

"Trường có khoảng 2.000 học sinh và được chia làm 51 lớp học. Để đảm bảo giãn cách, nhà trường chia học sinh làm 2 ca học, trong đó lớp 10 và 11 sẽ học ca chiều, lớp 12 học ca sáng. Chúng tôi sẽ không thực hiện tách lớp nhưng sẽ cách phòng học. Cụ thể, mỗi lớp học sẽ cách nhau một phòng học, còn tại sân trường sẽ chia ô, kẻ vạch khu vực vui chơi riêng từng lớp học", thầy Nguyễn Phương Bình nói.

Tương tự, Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh) cũng bố trí thời gian học các khối lệch ngày, lệch giờ và mỗi khối học ở một toà nhà riêng. Chẳng hạn như học sinh khối 9 sẽ học buổi sáng, còn lớp 7, 8 học buổi chiều. Học sinh lớp 7 sẽ học vào các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 còn học sinh lớp 8 học các ngày thứ 3, 4, 5 và thứ 6. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã xây dựng các kịch bản xử trí F0 trong trường học; tập huấn cho giáo viên, nhân viên nhà trường, đồng thời đã chuẩn bị các phòng y tế, phòng cách ly và trang thiết bị y tế sẵn sàng đón học sinh quay lại trường học tập.

“Mỗi lớp học có khoảng trên dưới 30 học sinh; do phòng học có diện tích rộng khoảng 64m2 nên với số lượng học sinh trên nhà trường vẫn đảm bảo giãn cách. Bên cạnh đó, mỗi lớp học sẽ cách nhau một phòng học”, thầy Nguyễn Ngọc Bảo Chương, Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn cho biết.

Chú thích ảnh
Lý giải việc cho học sinh các khối lớp từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trở lại, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, hầu hết học sinh ở các khối lớp này đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Theo thầy Nguyễn Ngọc Bảo Chương, do quận Bình Thạnh đang có dịch ở cấp độ 2 nên học sinh khối lớp 7 và 8 học trực tiếp tối đa tại trường chỉ 18 tiết/tuần, học sinh lớp 9 học 24 tiết/tuần, các tiết còn lại sẽ học trực tuyến.

Về kế hoạch học tập, Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn cho biết, trong ngày đầu tiên học sinh đến trường sẽ được giáo viên chủ nhiệm chia sẻ về các thông tin phòng, chống dịch; sinh hoạt nề nếp học tập, giữ gìn về sinh trong trường, đảm bảo 5K. Đặc biệt, giáo viên sẽ chuẩn bị cho học sinh tâm thế khi trong lớp có bạn F0. Ngày học thứ hai, giáo viên sẽ khảo sát, kiểm tra lại kiến thức để ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi học kỳ I.

Cần hỗ trợ thêm test xét nghiệm COVID-19

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong quá trình thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu linh động, phù hợp, thích ứng nhanh chóng với từng cấp độ dịch, không gây ảnh hưởng quá lớn đến việc tổ chức học tập cho học sinh. Qua 2 tuần học, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận chủ trương này tăng hơn 16%. Có học sinh lúc đầu còn lo lắng nhưng với các biện pháp nhà trường triển khai, các em ngày càng an tâm hơn; tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc hơn.

Chú thích ảnh
 Ngành giáo dục kiến nghị UBND Thành phố hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các trường.

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế khi triển khai dạy học trực tiếp trong 2 tuần thí điểm cho thấy, phần lớn trường học khó khăn về thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và xử lý tình huống khi có ca nghi nhiễm hoặc nhiễm, tầm soát F1 trong trường. Mặt khác, một số cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế chuyên trách, giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Do đó, để đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp, Sở kiến nghị UBND Thành phố hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các trường; cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm đối với nhân viên y tế trường học.

Về kế hoạch hướng dẫn cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp tại trường từ ngày 4/1, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ giáo dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức dạy học trực tiếp phải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó, tổ chức thực hiện dạy học trực tiếp có thể bố trí lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường. Các trường phải chú ý việc bố trí, sắp xếp thời khóa biểu dạy học trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh đưa đón con khi đến trường học trực tiếp.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục được chủ động trong sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp nhưng tại cùng một thời điểm số lượng học sinh học tập trực tiếp không được vượt quá 50% tổng số lượng học sinh của đơn vị. Đối với trường có tổ chức dạy học cả ngày ở trường (thực hiện bán trú theo qui định an toàn phòng, chống dịch) không được tổ chức giờ học trên lớp vượt quá 8 tiết học trực tiếp/ngày.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi học trở lại, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo phụ huynh nên để trẻ ở nhà khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi... Khi đến trường hay khi ra ngoài, trẻ phải rửa tay thường xuyên, hạn chế tới những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh; đặc biệt trường phải an toàn, không có người lạ đi vào và giáo viên đều phải tiêm ngừa đầy đủ.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức