08:22 01/08/2021

TP Hồ Chí Minh, Bình Dương tiếp tục ghi nhận ca mắc cao

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 1/8, cả nước đã ghi nhận 8.620 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca trong nước.

Chú thích ảnh
Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu vực phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ngày 30/7. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận nhiều nhất với 4.052 ca, tiếp đó là Bình Dương 2.179 ca, Long An 569 ca, Đồng Nai 425 ca, Khánh Hoà 298 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 184 ca, Tây Ninh 102 ca, Cần Thơ 100 ca..; trong đó có 2.007 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 1/8, Việt Nam có 154.306 ca mắc trong đó có 2.262 ca nhập cảnh và 152.044 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ ngày 27/4 đến nay là 150.474, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 1/8, cả nước có 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 43.157 ca.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày kể từ 0 giờ 00 ngày 2/8/2021. Đây là quyết định được Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong ban hành ngày 1/8 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đảm bảo độ bao phủ vaccine trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội, Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5 tại thành phố.

Theo đó, toàn thành phố tổ chức 1.200 đội tiêm, đặt mục tiêu phấn đấu mỗi đội tiêm đạt 200 mũi tiêm trong một ngày. Như vậy, so với kế hoạch trước, thành phố đã tăng thêm 200 đội tiêm (trước đây là 1.000 đội tiêm). Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức buổi tiêm chủng không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.  

Sáng 1/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm Trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Hậu Giang về phối hợp hoạt động Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa được thành lập với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất một số nguyên tắc phối hợp hoạt động giữa Tổ công tác và tỉnh Hậu Giang. Trong đó, Tổ công tác sẽ có nhóm truy vết cộng đồng, nhóm điều trị, xét nghiệm và nhóm ứng dụng công nghệ thông tin và tỉnh cũng cần thành lập các nhóm tương ứng để phối hợp thực hiện công tác. Khi Tổ công tác làm việc tại các địa phương, cần có sự tham gia của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương. Sau 2 ngày hoặc cuối ngày, Tổ công tác sẽ báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ cho Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 5256/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc phân bổ, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, để tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực TP Hồ Chí Minh (bao gồm TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn giáp ranh, thuộc các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vaccine phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vaccine theo kế hoạch tiêm. 

Cũng trong ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX, gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Văn bản nêu rõ, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt các bác sỹ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như: TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3638/QĐ- BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19" thay thế cho quyết định được ban hành trước đó vào tháng 8/2020.

Theo hướng dẫn này, đã có thay đổi một số khái niệm. Đó là ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát) mắc COVID-19 là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện sau đây: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác;

Hoặc người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với SARS-CoV-2. 

So với quy định cũ, khái niệm này đã bỏ điều kiện về tiền sử dịch tễ, tiền sử tiếp xúc F0.

Bên cạnh đó, các tiêu chí về người tiếp xúc gần (F1) cũng có một số điều chỉnh. Đó là, ngoài điều kiện là người tiếp xúc gần với F0 trong khoảng 2m thì còn là người có tiếp xúc gần trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Quyết định cũng phân chia rõ trường hợp nào tiếp xúc gần với F0 có triệu chứng và F0 không có triệu chứng thì được xác định là F1.

Theo đó, đối với F0 có triệu chứng: Một người được xác định là F1 nếu tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

Đối với F0 không có triệu chứng, trong trường hợp F0 đã xác định được nguồn lây: Một người được xác định là F1 nếu tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: Một người được xác định là F1 nếu tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Quyết định mới cũng bỏ toàn bộ phần nội dung hướng dẫn việc giám sát (khi chưa có ca bệnh, có ca bệnh và dịch lây lan rộng trong cộng đồng) để phù hợp với thực tế.

PV (TTXVN)