05:10 20/05/2011

TP Hồ Chí Minh: Bệnh tay - chân - miệng diễn biến phức tạp

Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng ở TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những loại virút có độc tính cao đang lấn át khiến trẻ mắc bệnh thường bị nhiễm chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao.

Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng ở TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những loại virút có độc tính cao đang lấn át khiến trẻ mắc bệnh thường bị nhiễm chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã có 9 trẻ tử vong do mắc bệnh tay - chân - miệng.

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.200 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng. Trong tháng 4 toàn thành phố ghi nhận gần 600 ca mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2010. Dịch bệnh bắt đầu vào tháng 3 và sẽ lên đỉnh điểm vào những ngày cuối tháng 5. Vào những tuần đầu của tháng 5, trung bình mỗi tuần toàn thành phố có 80 - 90 trẻ nhập viện và đã có 3 trẻ tử vong do mắc bệnh tay - chân - miệng.

Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tử vong.


Theo ghi nhận vào sáng 18/5 tại khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1, có 40 trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng đang nằm điều trị, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng nặng phải thở máy và theo dõi đặc biệt. Bên cạnh đó, tại một số trường mầm non, khu dân cư ở những vùng ven như: Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Bình… cũng ghi nhận rải rác những ca mắc bệnh có thể lây lan thành ổ dịch nếu không được vệ sinh và phòng tránh tốt.

Bác sỹ Trần Thị Mỹ Dung, khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Bệnh có diễn biến phức tạp hơn những mùa dịch trước. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng không có những triệu chứng thông thường như: Nổi mẩn, sưng miệng… nhưng khi khám thì mới phát hiện bệnh và có triệu chứng trở nặng. Bệnh này dễ lây lan cho trẻ dưới 5 tuổi và gây biến chứng nặng cho trẻ dưới 2 tuổi. Do đó, khi thấy trẻ bị sốt kéo dài hơn 2 ngày, kèm theo có nổi bong bóng nước ở trong miệng, tay, chân… cần đưa đến bệnh viện để được khám và điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh nhận định: Năm nay, tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng diễn biến phức tạp và không theo đúng chu kỳ như mọi năm. Chu kỳ của bệnh có 2 đợt, thường bắt đầu từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 11, tuy nhiên, năm nay bệnh sẽ kéo dài rải rác từ tháng 3 - 11.

Theo các bác sỹ, bệnh tay - chân - miệng do virút Entero 71 gây ra có những triệu chứng ban đầu như: Sốt nhẹ, nổi bong bóng nước to bằng đầu đũa, màu xám nhỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng và thường ấn không đau. Khi bệnh nặng, trẻ có triệu chứng rối loạn tri giác như: Lơ mơ, mê sảng, hay co giật... Hiện bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắcxin phòng ngừa nên cách phòng bệnh tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống đầy đủ nước. Nên cho trẻ mắc bệnh nghỉ học và không cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây lan.

Bác sỹ Lê Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Đây là thời điểm phát triển mạnh của bệnh tay - chân - miệng do thời tiết nắng nóng thất thường. Trước tình hình dịch bệnh còn có thể kéo dài và bùng phát, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tất cả các quận, huyện hướng dẫn vệ sinh và khử khuẩn, đặc biệt cho những gia đình có trẻ dưới 3 tuổi và phát chloramin B cho các hộ gia đình này. Đối với trường mầm non, dứt khoát không để trẻ bệnh đến trường và hướng dẫn nhà trường khử khuẩn theo đúng quy trình. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận/huyện phải khẩn trương xử lý khi phát hiện có ca bệnh tại các khu dân cư tập thể.

Đan Phương