08:19 01/08/2017

TP Hồ Chí Minh bắt đầu tăng giá dịch vụ y tế với bệnh nhân không có thẻ Bảo hiểm y tế

Theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 5 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, từ ngày 1/8/2017, các bệnh viện công lập tự chủ tài chính trên địa bàn thành phố bắt đầu áp dụng mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Người dân khám bệnh BHYT tại bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Bị sốt đã 3 ngày và nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, sáng 1/8, anh Huỳnh Minh Hoàng (ngụ huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đang tạm trú tại quận 2 (TP Hồ Chí Minh) đến Bệnh viện quận 2 để khám. Anh Hoàng cho biết: Sau khi nộp tiền khám bệnh 35.000 đồng, tôi được chỉ định xét nghiệm máu và phải nộp 346.000 đồng chi phí xét nghiệm. Nếu như trước đây, mỗi lần đi khám bệnh tương tự, tôi chỉ phải trả gần 300.000 đồng, nhưng hiện nay số tiền phải trả là gần 400.000 đồng.

Tương tự, bà Hồng Huệ Ân (ngụ phường Bình Trưng Tây, quận 2) cũng khá bất ngờ với giá dịch vụ khi thực hiện nội soi dạ dày vào sáng 1/8. Bà Ân chia sẻ: Tôi đã được giải thích là hôm nay bệnh viện áp dụng giá mới. Do tôi không có thẻ Bảo hiểm y tế nên phải trả nhiều tiền hơn.

Bệnh viện quận 2 là một trong 12 bệnh viện tự chủ tài chính của TP Hồ Chí Minh áp dụng mức tăng giá viện phí đối với bệnh nhân không có thẻ Bảo hiểm y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT.

Bác sỹ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện quận 2 cho biết: Theo Thông tư 02, giá khám bệnh tăng lên thành 35.000 đồng/lượt, trong khi trước đây chỉ 15.000 đồng/lượt. Đối với bệnh nhân nội trú, tiền giường bệnh cũng tăng từ 58.000 đồng lên 178.000 đồng/giường/ngày, gấp hơn 3 lần so với mức cũ. Như vậy, đối với bệnh nhân không có thẻ Bảo hiểm y tế từ nay sẽ phải chi trả mức giá khám chữa bệnh khá cao.

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký khám tại Bệnh viện quận 2 chiếm 92%, tức là có khoảng 8% bệnh nhân chưa có thẻ Bảo hiểm y tế. “Đối với bệnh viện, việc tăng giá viện phí cũng là kênh có thêm nguồn thu từ những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm để tái đầu tư. Tuy nhiên trên góc độ xã hội, chúng tôi vẫn hy vọng tất cả bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế để được hỗ trợ một phần chi phí khi đi khám chữa bệnh”, bác sỹ Trần Văn Khanh cho hay.

Bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức cũng được điều chỉnh theo Thông tư 02 của Bộ Y tế. Trước đó, Bệnh viện đã thông báo rộng rãi đến toàn thể bệnh nhân thông tin tăng giá viện phí từ ngày 1/8.

Nhập viện điều trị bệnh nghẽn mạch dẫn đến vàng da hơn 1 tuần nay, ông Ngô Thanh Vân (ngụ tại phường Linh Tây, quận Thủ Đức) khá lo lắng khi nghe tin tăng giá viện phí từ ngày 1/8, trong đó tiền giường bệnh tăng khá cao. Ông Vân bị mất thẻ Bảo hiểm y tế, chưa kịp mua thẻ mới. Nếu tăng giá viện phí lên gấp hai, gấp ba lần, trong khi bệnh của ông phải nằm viện lâu ngày, chắc chắn rất tốn kém. Tuy nhiên, bà Vương Thị Sinh, Phòng Tài chính - Kế hoạch (Bệnh viện quận Thủ Đức) cho biết, đối với bệnh nhân nội trú đang điều trị, Bệnh viện vẫn áp dụng mức giá cũ. Khi nào bệnh nhân thực hiện đợt điều trị mới sẽ áp dụng giá mới.

Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh), từ ngày 1/8, 12 bệnh viện không nhận ngân sách chi thường xuyên gồm 8 bệnh viện tuyến thành phố như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai Mũi Họng… và 4 bệnh viện tuyến quận, huyện, gồm Bệnh viện quận Bình Thạnh, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện Quận 1, Bệnh viện Quận 2 áp dụng giá viện phí mới theo Thông tư 02.

Đến ngày 1/10, tất cả bệnh viện trên địa bàn thành phố sẽ đồng loạt áp dụng mức giá mới này. Việc điều chỉnh giá nhằm hướng tới sự bình đẳng, không phân biệt giữa giá khám chữa bệnh của người bệnh không có bảo hiểm y tế và người bệnh có bảo hiểm y tế trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và đẩy nhanh quá trình tự chủ đối với các cơ sở y tế công lập của thành phố.

Đinh Hằng (TTXVN)