10:20 31/10/2013

TP. HCM chấn chỉnh các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ

TP. HCM hiện có khoảng 100 cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra cuối tháng 9 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế phát hiện nhiều sai phạm, trong đó chủ yếu là quảng cáo vượt mức chuyên môn được cho phép.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, ngày 31/10, Sở Y tế TP. HCM đã có buổi làm việc với Hội Phẫu thuật thẩm mỹ thành phố và gần 100 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trên địa bàn.

TP. HCM hiện có khoảng 100 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, trong đợt  kiểm tra vào cuối tháng 9 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế phát hiện nhiều sai phạm, trong đó chủ yếu là quảng cáo vượt mức chuyên môn được cho phép. Tại buổi làm việc, Sở Y tế đã phổ biến lại các quy định về đăng kí giấy phép hành nghề, các quy định về quảng cáo; đề nghị các bệnh viện tư nhân hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động.

Theo ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay người dân hay nhầm lẫn giữa phòng khám chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ với các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như các spa, thẩm mỹ viện, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp... Theo quy định, những cơ sở này chỉ được sử dụng các phương tiện, mỹ phẩm để chăm sóc, làm đẹp bên ngoài, không thuộc lĩnh vực do ngành y tế cấp phép.

Một ca mổ chỉnh hình xương hàm mặt cho bệnh nhân. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Tuy nhiên trong thực tế, do một số cơ sở chăm sóc, làm đẹp quảng cáo và hoạt động quá chức năng, làm cho người dân hiểu sai đó là cơ sở y tế. Riêng các thẩm mỹ viện có giải phẫu thẩm mỹ là do sự kết hợp giữa một bác sĩ có giấy phép giải phẫu thẩm mỹ đặt phòng khám ngay thẩm mỹ viện, khi nào có bệnh nhân cần giải phẫu thẩm mỹ thì bác sĩ chuyên khoa sẽ khám, còn khách hàng muốn chăm sóc sắc đẹp thì thẩm mỹ viện sẽ làm. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố, người dân khi tham gia loại hình y tế này cần hiểu rõ, chỉ có cơ sở nào có “phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ” đã được ngành y tế cấp phép thì mới có chức năng hoạt động trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ.

Tại buổi làm việc, một số ý kiến cho rằng, Sở Y tế Thành phố nên cấp một lô-gô dán bên ngoài cửa cơ sở thẩm mỹ để người dân có thể dễ dàng phân biệt.

Theo Sở Y tế Thành phố, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục giám sát hoạt động quảng cáo của các cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trên địa bàn; thực hiện đăng ký danh sách những người tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngay trong tháng 11/2013, các cơ sở thẩm mỹ do Sở Y tế thành phố cấp phép sẽ phải đăng kí danh sách các bác sĩ đang tham gia cộng tác phẫu thuật thẩm mỹ tại cơ sở. Các bệnh viện cũng phải đăng ký danh sách các bác sĩ làm phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện để quản lý. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường giám sát các cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã cấp phép. Đây được xem là những bước rất quan trọng để quản lý tình trạng các bác sỹ sử dụng giờ công để làm việc riêng tại các phòng khám bên ngoài bệnh viện, nhất là các phòng khám thẩm mỹ, thẩm mỹ viện.

Để người dân có thể nắm được danh sách các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp phép, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 77 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có đăng ký giấy phép và phạm vi hoạt động lên trang thông tin điện tử của Sở và tiếp tục cập nhật danh sách này. Nếu người dân phát hiện cơ sở nào không có trong danh sách Sở Y tế quản lý, bác sĩ không được cấp phép mà vẫn hành nghề hoặc không thực hiện đúng danh mục kỹ thuật cho phép, hãy báo ngay cho cơ quan quản lý.

Trong buổi làm việc, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Hội Phẫu thuật thẩm mỹ thành phố cùng tham gia phối hợp trong việc thẩm định cấp giấy phép hành nghề. Đồng thời, Hội Phẫu thuật thẩm mỹ cũng sẽ có trách nhiệm tuyên truyền và giải đáp thắc mắc của các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ.


H.Chung