01:18 30/01/2018

Tổng tiến công Xuân 1968: Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh toàn dân

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những chiến công vang dội được coi là mốc son đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến, thể hiện tầm cao của nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nữ du kích canh gác bên dòng Ô Lâu, Thừa Thiên, Huế(1968). Ảnh: Tư liệu: TTXVN

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968-2018) là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, tiến trình, ý nghĩa lịch sử, giá trị thực tiễn của cuộc Tổng tiến công, làm sáng tỏ thêm những giá trị, đúc kết những bài học hữu ích, phát huy tinh thần và sức mạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn và sức mạnh toàn dân

Trong bài viết nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968 - 2018) với tựa đề “Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam về tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Sau thắng lợi vĩ đại này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã chuyển sang giai đoạn cách mạng mới với những thời cơ, thuận lợi mới để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi to lớn này trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trên cơ sở nắm chắc tư tưởng cách mạng tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật chiến tranh nhân dân, thắng từng bước, đẩy lùi và đánh bại địch từng bước; hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, chọn đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng, làm tốt công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng. Thắng lợi này còn là kết quả của sự phát huy mạnh mẽ trí sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta."

Sau 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 quân đối phương, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn xe thiết giáp, phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu, tiêu diệt và bức hàng, bức rút 15.000 đồn bót, chi khu, phá 1.200 ấp chiến lược.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra trên toàn miền Nam có sự đóng góp to lớn của các lực lượng tham gia tổng tiến công và nổi dậy, vai trò của hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ trong quá trình chuẩn bị, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tiến công.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng với trên 270.000 quân. Các lực lượng vũ trang tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy rất đa dạng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, biệt động thành, an ninh miền Nam đến tự vệ cơ quan, du kích địa phương… Mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, trong đó phải kể đến chiến công của lực lượng mũi nhọn biệt động tại các đô thị, nhất là Sài Gòn, đã gây bất ngờ, choáng váng và nhiều thiệt hại cho địch. Trong các đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hàng vạn quần chúng yêu nước, đủ các tầng lớp ở đô thị và ven đô đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm… góp phần vào thắng lợi chung.

Mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giữ một vị trí to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự kiện đã ghi mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đây là biểu hiện của sự tập trung ý chí, sức mạnh quật cường của con người, dân tộc Việt Nam và sức sáng tạo, tài mưu lược trong chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng; là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhận định về tầm vóc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đòn chính trị và quân sự lớn đánh vào đầu não của cả chế độ chính trị và bộ máy chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chế độ Sài Gòn bị tấn công; hậu phương và hậu cứ chiến tranh của địch bỗng chốc trở thành chiến trường.

Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, một bộ phận lớn sinh lực của địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, một khối lượng lớn vật chất phục vụ cho chiến tranh của địch bị thiệt hại. Song điều quan trọng hơn cả là Mỹ bị hạ uy thế lớn cả về quân sự và chính trị. Lực lượng cách mạng đã giáng một đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn ở cả thành thị và nông thôn, một đòn đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ ,khiến giới lãnh đạo cao cấp Mỹ phải bàng hoàng sửng sốt.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là đỉnh cao, cũng là bước phát triển tất yếu của chiến tranh cách mạng, đã đánh đòn mạnh và đúng lúc vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh và chịu ngồi đàm phán với Việt Nam để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Đây là một thắng lợi to lớn về chính trị, dấu mốc lịch sử có ý nghĩa phân định thắng, thua về chiến lược quân sự trong cuộc chiến tranh; là cuộc võ trang tuyên truyền lớn nhất, sống động nhất khiến quần chúng thành thị hiểu rõ hơn mục đích cách mạng dưới cờ Mặt trận giải phóng.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc; nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chủ trương lịch sử có ý nghĩa chiến lược của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 1967, đầu năm 1968, đã biến thành quyết tâm của đông đảo cán bộ chiến sĩ và quần chúng cách mạng trên cả hai miền Nam, Bắc, thể hiện qua sự chuẩn bị chu đáo về chiến trường, về lực lượng, về hậu cần… cũng như giữ được yếu tố bất ngờ. Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cũng để lại nhiều bài học lịch sử quý.

Đó là bài học thấu triệt tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bài học về sự chủ động, sáng tạo, sắc bén trong lãnh đạo, chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy trên những địa bàn cụ thể; bài học về thời cơ, thời điểm phát động Tổng tiến công và nổi dậy, về nghi binh, phân tán lực lượng địch, đánh giá khả năng, sức mạnh của kẻ thù… đã giúp Đảng nhận thức sáng suốt hơn về thực tế chiến trường; đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến trong giai đoạn Mậu Thân, nhất là từ giữa năm 1970 trở đi.

Sáng mãi ngọn lửa thanh niên

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ miền Nam nói chung và tuổi trẻ Sài Gòn nói riêng có những đóng góp không nhỏ ở nhiều mặt, với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đây là một trong những lực lượng chủ công trong các phong trào đấu tranh, nhất là đấu tranh ở đô thị bằng hình thức vũ trang chính trị, vũ trang biệt động, chính trị công khai… tiếp sức cho lực lượng biệt động Sài Gòn đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.

Lực lượng học sinh, sinh viên, trí thức trẻ miền Nam đã tham gia các nhiệm vụ quan trọng như: Tập hợp quần chúng chuẩn bị cho đấu tranh, qua đó khơi dậy một cách sâu sắc “tinh thần Quang Trung” trong nhân dân; tham gia chiến đấu vũ trang, tổ chức các đội tuyên truyền vũ trang đến từng hẻm, từng nhà trong các xóm lao động; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho đồng bào bị nạn, duy trì tốt việc sinh hoạt và tập hợp lực lượng thanh niên. Sau Mậu Thân, các hoạt động của học sinh, sinh viên, trí thức trẻ bảo vệ văn hóa dân tộc, đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh tiếp tục được duy trì.

Với vai trò Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động LêThị Riêng, cô Đào Thị Huyền Nga (bí danh Hồng Quân) không thể nào quên những ngày tháng chiến đấu. Nửa thế kỷ đi qua, nhưng tinh thần của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị. Tất cả những hy sinh của thế hệ đi trước để cùng thực hiện một mong ước là có được hòa bình cho đất nước, cho dân tộc. Cô Đào Thị Huyền Nga xúc động nhắn nhủ: “Chúng tôi, những người đi trước xin trao hết lại niềm tin vào lực lượng trẻ, bởi vì đây là lực lượng bảo vệ xây dựng Tổ quốc, của tương lai và hy vọng. Mong các em trui rèn bản lĩnh, có kiến thức và năng lực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Phát huy truyền thống yêu nước, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã tiếp nối những trang vàng của thế hệ cha anh, thể hiện ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; gìn giữ ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn sáng mãi. Trong thời bình, tinh thần ấy được hiện thực hóa thành những hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; những phong trào như “Tuổi trẻ sáng tạo” , “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”…; xây dựng Việt Nam giàu mạnh, trở thành nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước trong đoàn viên, thanh niên, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tuyên truyền, gắn với các hoạt động, công trình, phần việc thanh niên tại địa phương, đơn vị.

Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Thông qua các hình thức sinh hoạt chính trị sâu rộng, đoàn viên, thanh thiếu niên đã được nhận thức sâu sắc về thắng lợi, ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khơi dậy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa cách mạng trong tuổi trẻ hôm nay; bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các hoạt động được triển khai với phương thức đa dạng, thiết thực, trang trọng, hiệu quả, tiết kiệm; chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua mạng xã hội, clip ngắn, tạo khí thế phấn khởi trong đoàn viên, thanh thiếu nhi như sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn, diễn đàn, tọa đàm, giao lưu nhân chứng lịch sử; tổ chức hành trình giáo dục truyền thống đến với các địa chỉ đỏ, tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử gắn với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn huy động nguồn lực xã hội hóa, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, người có công với cách mạng, gia đình chính sách nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gắn với việc thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 2018; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền ca khúc cách mạng, tiêu biểu là chương trình nghệ thuật và giao lưu nhân chứng lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh.

TTXVN/Báo Tin tức