12:07 21/12/2017

Tổng tiến công Xuân 1968 - Bài 3: Bước ngoặt lớn - buộc kẻ thù phải xuống thang chiến tranh

Cùng với chiến trường miền Nam, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế đã trở thành một dấu mốc ghi bước ngoặt lớn - đòn quyết định của cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, buộc kẻ thù phải xuống thang chiến tranh.

Trong một cuộc hội thảo khoa học "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, một thành viên trong Đoàn đàm phán của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao cho biết: Cuộc tổng tiến công đã giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và phải ngồi vào bàn đàm phán. Cùng với thắng lợi trên chiến trường, "sức mạnh ngoại giao" cũng đã góp phần buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc, bác bỏ kế hoạch Oet-mo-len, ngăn chặn được hơn 20 vạn quân Mỹ chuẩn bị đổ bộ vào miền Nam Việt Nam trước Tết Mậu Thân 1968.

Theo Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc này tương quan lực lượng giữa đôi bên trên chiến trường rất chênh lệch, nghiêng mạnh về phía Mỹ (hơn 1 triệu 30 vạn quân Mỹ, nguỵ, chư hầu; so với 27 vạn bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Quân giải phóng miền Nam). Hơn nữa, tiềm lực và sức mạnh quân sự Mỹ còn rất dồi dào; sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, lại chiếm ưu thế áp đảo cả trên không, trên sông, biển. Nhưng với khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước, chúng ta đã biến điều tưởng như không thể trở thành có thể.

Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế nghiên cứu sa bàn trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp Ngụy. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hồng Sáu/TTXGP

Là người tham gia trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên - Huế, Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên - Huế nhớ lại: Cuối năm 1967 Khu ủy Trị Thiên - Huế dành nhiều thời gian để vạch ra kế hoạch thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương đánh chiếm thành phố Huế, tiêu diệt địch, giữ thành phố một số ngày. Lúc này, Quân khu Trị Thiên - Huế được Bộ Quốc phòng tăng cường thêm Trung đoàn 9 của Sư đoàn 325; thêm 7 tiểu đoàn và 10 đội đặc công trong đó có 3 đội đặc công nước. Phương châm hoạt động: Kết hợp tấn công với nổi dậy, vừa trụ lại thành phố vừa bung ra làm chủ nông thôn, kết hợp chiếm lĩnh thành phố với nhiệm vụ đánh quỵ Sư đoàn 1 của quân đội Sài Gòn.

Toàn Quân khu chia làm 3 mặt trận. Mặt trận chủ yếu của Quân khu là thành phố Huế; mặt trận phía Bắc là Quảng Trị để phối hợp với Huế; mặt trận phía Nam từ Cầu Hai đến đèo Hải Vân chặn quân tiếp viện của địch từ Đà Nẵng ra. Mặt trận Huế lại chia làm 2 cánh quân gồm cánh phía Bắc và cánh phía Nam. Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (tức mồng một Tết âm lịch) tôi ra lệnh cho ĐKZ phía Nam nổ súng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công, tức thì đâu đâu cũng nghe thấy tiếng súng nổ vang trời. Quân địch bị bất ngờ, hoảng loạn. Nhân dân và các lực lượng ta phấn khởi, náo nức giúp đỡ bộ đội, nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của cán bộ giải phóng, nhất tề nổi dậy diệt ác, phá kìm, khởi nghĩa giành chính quyền. Từ các hướng tin thắng trận liên tiếp được báo về, một không khí phấn khởi rạo rực tràn ngập chỉ huy sở.

Sáng 1/2/1968, diễn biến trên toàn mặt trận hết sức thuận lợi. Ở khu vực Đại Nội (Cột cờ trước Ngọ Môn) ta đã tiêu diệt được đơn vị Hắc Báo của địch và đang chuẩn bị để kéo cờ; các nơi khác ta đã chiếm được khu Gia Hội, chợ Đông Ba, các công sở của Nguỵ quyền. Ở các mục tiêu vành ngoài, ta đã diệt gần 1 tiểu đoàn địch ở Kim Long, Kẻ Vạn, đánh tiêu hao nặng gần 1 tiểu đoàn khác ở Vạn Thành, chiếm được các cầu Bạch Hổ, An Hoà, Bổn Tứ, An Lưu, La Chữ...Ở cánh phía Nam đã diệt được số lớn quân địch ở Tiểu khu Phan Sào Nam, đánh chiếm Sở chỉ huy cảnh sát dã chiến, tiến công vào cơ quan CIA và 2 khách sạn Thuận Hóa và Hương Giang, đánh chiếm Đài phát thanh, các cầu Kho Rèn, Ngã Sáu, cơ quan Đại diện Chính phủ địch ở Trung phần, dinh Tỉnh trưởng, khu công binh Bàu Ghè, xưởng quân cụ, lao Thừa Phủ giải phóng hơn 2.000 đồng chí, đồng bào ta bị giam giữ ở đây.

Ở vành ngoài, ta tiến công tiêu diệt Trung đoàn 7 thiết giáp Nguỵ ở Tam Thai, Tiểu đoàn quân vận Lê Lợi và tiểu đoàn công binh ở Nam Giao, tiêu hao nặng 2 tiểu đoàn Nguỵ ở Tam Động và một đại đội quân Nam Hàn ở Tân Lãng, bắt và trừng trị bọn phản động ác ôn đầu sỏ. Như vậy đến sáng 1/2/1968 (tức mồng 2 Tết Mậu Thân) ta đã chiếm được hầu hết các mục tiêu chủ yếu đề ra, làm chủ thành phố. Riêng ở đồn Mang Cá địch vẫn cố thủ ở hầm ngầm và liên tục phản kích. Đến 9 giờ ngày mồng một Tết, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng đã tung bay trên đỉnh Cột cờ Đại Nội - Huế, làm nức lòng quân và dân toàn mặt trận, báo hiệu thành phố Huế đã được giải phóng. Lúc này, các lực lượng dân vận, địch vận tỏa đi các nơi làm công tác vận động quần chúng, kêu gọi và tổ chức đồng bào tham gia diệt ác trừ gia, thu gom tài liệu vũ khí, vận động nguỵ quân còn lẫn trốn ra đầu hàng. Chính quyền từ thành phố, phường, vạn đến khu phố được thành lập.

Quân và dân Trị Thiên - Huế đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao, đặc biệt ở Huế, đã tiêu diệt và tiêu hao được một bộ phận quan trọng sinh lực địch trong 26 ngày đêm tiến công và chiếm giữ thành phố Huế thân yêu. Thành công trên chiến trường Trị Thiên - Huế ghi dấu cả nước vào trận, miền Bắc dồn sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được nhanh chóng mở rộng, tăng sức vận chuyển. Miền Nam khẩn trương chuẩn bị thế trận và lực lượng, hình thành các phương án công kích về quân sự và nổi dậy của quần chúng.

Sự góp sức, ủng hộ, đùm bọc, chở che, tấm lòng kiên trung với cách mạng của người dân đô thị, vùng ven, vùng tạm chiến, vùng tranh chấp đối với ước vọng thống nhất đất nước. Nhiều hoạt động nghi binh "lừa địch" trên mặt trận ngoại giao, ở mặt trận Khe Sanh, ở vùng ven các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định và thành phố Huế. Có thể nói đến trước ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, phía Mỹ vẫn hoàn toàn lạc hướng trong việc phán đoán ý đồ thực sự và hướng tiến công chiến lược của ta.

50 năm đã trôi qua, nhưng những bài học về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật phát hiện và chớp thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng để lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều...vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giữ một vai trò to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như một chiến công bất hủ; là một biểu hiện tập trung của ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, biểu hiện sức sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là một địa phương có chiến công đánh chiếm và giữ Huế 26 ngày đêm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mang trong mình hào khí "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường", từ một tỉnh bị đế quốc chiếm đóng, sau 50 năm, Thừa Thiên - Huế đã chuyển mình trở thành một tỉnh có vị thế trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đang vươn lên mạnh mẽ cùng cả nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội"...

Quốc Việt (TTXVN)