03:17 05/03/2019

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất nâng cấp phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 4/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đề xuất nâng cấp phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan để có thể hỗ trợ cho việc thực thi thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà ông cho là “lựa chọn duy nhất và tốt nhất” nhằm chấm dứt cuộc chiến đang tàn phá quốc gia non trẻ nhất thế giới này.

Chú thích ảnh
Binh sĩ thuộc UNMISS tuần tra tại Leer, Nam Sudan ngày 7/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN.

Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng Thư ký Guterres cho rằng HĐBA LHQ cần xem xét việc thành lập một lực lượng bảo vệ khu vực nhằm đảm bảo an ninh cho Juba như một phần nhiệm vụ của phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan (UNMISS).

Theo ông Guterres, UNMISS cần được nâng cấp để phục vụ cho sứ mệnh hỗ trợ thực thi thỏa thuận hòa bình và tiến trình hòa bình ở Nam Sudan một cách nhanh nhạy và linh hoạt. Ông cũng sẵn sàng đưa ra đánh giá về các yêu cầu đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình mới và nói rằng việc thành lập một lực lượng bảo vệ khu vực nhằm đảm bảo an ninh cho Juba nên phù hợp với các yêu cầu trong khu vực này. 

Mặc dù ông Guterres không đề cập cụ thể về việc có cần bổ sung thêm binh sĩ hay cảnh sát cho UNMISS, song ông cho biết nếu thấy cần thiết, LHQ sẽ yêu cầu các nước góp quân cho UNMISS "đóng góp năng lực cần thiết" để phái bộ này thực hiện các nhiệm vụ mới. 

Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ đưa ra quyết định vào tuần tới về việc đổi mới sứ mệnh của UNMISS gồm 16.000 binh sĩ, trong đó có sự tham gia của binh lính Việt Nam. Trong khi đó, các nước thuộc Tổ chức Liên Chính phủ về Phát triển (IGAD) cũng yêu cầu cho phép các nước Sudan, Uganda, Djibouti và Somalia gửi quân tham gia lực lượng bảo vệ khu vực nhằm đảm bảo an ninh cho Juba.

Nam Sudan giành độc lập từ Sudan năm 2011, trở thành thành viên thứ 193 của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, nội chiến khốc liệt đã nổ ra tại quốc gia non trẻ nhất thế giới vào năm 2013 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Các cuộc giao tranh đã khiến khoảng 400.000 thiệt mạng và hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người đang phải đối mặt với nạn đói, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới.

Hải Vân - Minh Châu (TTXVN)