10:18 12/10/2021

Tổng thư ký LHQ kêu gọi thế giới đồng thuận ngăn chặn khủng hoảng hệ sinh thái

Trong bài phát biểu trực tuyến ngày 12/10 tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) tổ chức tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi các nước trên thế giới đồng thuận nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái hiện đe dọa cuộc sống loài người.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trực tuyến tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP15) tổ chức tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc), ngày 12/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Thư ký Guterres cho rằng sau 2 thế kỷ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, hủy hoại rừng, vùng hoang dã và đại dương, làm xói mòn đất đai, con người đã gây ra thảm họa sinh thái trên Trái Đất. Ông kêu gọi các nước cần hành động mạnh mẽ hơn, ủng hộ quyền hợp pháp của tất cả mọi người trên thế giới trong đối phó với nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học, hỗ trợ các nước đang phát triển, bao gồm cung cấp các nguồn tài chính quan trọng và chuyển giao công nghệ giữa các nước.

Ông Guterres mô tả sự can thiệp của con người đối với thiên nhiên là “cuộc chiến tự hủy hoại” và nhấn mạnh rằng chính con người đang thua trong cuộc chiến này. Theo đó, tỷ lệ các loài sinh vật biến mất cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình của 10 triệu năm trước và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Hơn 1 triệu loài thực vật, động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và động vật không xương sống đang đối mặt với mối đe dọa.

Tổng thư ký LHQ cho biết thêm sự sụp đổ của hệ sinh thái có thể dẫn đến tổn thất khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển có nguy cơ đối mặt với những tác động lớn nhất từ sự suy thoái của đa dạng sinh học.

Vòng đầu tiên của hội nghị COP15 với chủ đề “Nền văn minh sinh thái: Xây dựng tương lai chung cho tất cả sự sống trên trái đất” kéo dài từ ngày 11 - 15/10 với nhiều hoạt động, trong đó có diễn đàn về các chủ đề như biến đổi khí hậu và bảo tồn hệ sinh thái. Vòng thứ hai, dự kiến được tổ chức vào nửa đầu năm 2022, sẽ xem xét và quyết định “Khung chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học sau năm 2020”, một kế hoạch chi tiết về bảo tồn đa dạng sinh học cho thập kỷ tới.

Trung Quốc phát động quỹ bảo tồn sinh học cho các nước đang phát triển

Ngày 12/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động thành lập quỹ bảo tồn sinh học cho các quốc gia đang phát triển và công bố khoản đóng góp 1,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 232,47 triệu USD) của Bắc Kinh cho quỹ này.

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học diễn ra ở Côn Minh (Trung Quốc), nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết số tiền trên là khoản đóng góp ban đầu của nước này để ủng hộ Quỹ Đa dạng sinh học Côn Minh. Ông nhấn mạnh các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, do đó ông hoan nghênh mọi đóng góp cho quỹ này trong tương lai. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thế giới củng cố tinh thần đoàn kết chung tay vì nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tại các nước đang phát triển.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thông báo kế hoạch bảo tồn hệ thống các khu sinh thái quốc gia của Trung Quốc với tổng diện tích được bảo tồn lên tới khoảng 230.000 km2. Đây cũng là môi trường sống của gần 30% số các loài động vật hoang dã sống trên cạn được tìm thấy tại nước này.

Ông Li Shuo, chuyên gia cao cấp về chính sách năng lượng và khí hậu của tổ chức Greenpeace, nhận định Quỹ Đa dạng sinh học Côn Minh sẽ giúp mở đường cho một cuộc thảo luận khẩn cấp về vấn đề đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Ông bày tỏ hy vọng các nước phát triển sẽ tích cực đóng góp cho quỹ này tại hội nghị COP15.

Giới chuyên gia ước tính cần khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm để thiết lập chuỗi cung ứng bền vững và hỗ trợ nỗ lực bảo tồn thiên nhiên tại các nước. Số tiền này cao hơn rất nhiều so với khoản kinh phí 150 tỷ USD trong năm 2019 cho mục đích tương tự.                       

Lê Đạt - Hoàng Châu (TTXVN)