02:19 23/02/2017

Tổng thống Trump với trọng trách ‘thiết kế’ một Trung Đông mới

Cố vấn An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tướng H.R. McMaster, đã “thừa kế” một thế giới mà các mảng kiến tạo đang dịch chuyển rõ rệt.

Từ lâu quyền lực vốn tập trung ở Washington, nay đang “đông tiến” tới Moskva, Tehran, New Delhi và Bắc Kinh. Trong khi đó, quy tắc và các thể chế của hệ thống quốc tế tồn tại 70 năm qua đang chịu áp lực căng thẳng. Cho dù có nhận ra hay không, chính quyền của ông Trump sẽ có thể bị buộc phải đối mặt với thách thức làm thế nào để khôi phục ổn định.

Các “mảng kiến tạo” đổ vỡ


“Mảng kiến tạo” đang đổ vỡ rõ nhất là Trung Đông. Bốn quốc gia gồm Syria, Iraq, Libya và Yemen đã thất bại và chìm trong nội chiến. Các quốc gia khác đang có nguy cơ tương tự.

Ông Trump có nhiều việc phải làm ở Trung Đông.

Ở Syria, chính là Nga chứ không phải Mỹ đang “cầm trịch” khi nước này can thiệp cùng Iran để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trật tự ở Trung Đông đổ vỡ đã dẫn tới cảnh hỗn loạn kéo dài. Cả nửa triệu dân Syria thiệt mạng, hơn 11 triệu người mất nhà cửa. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã hưởng lợi từ mớ hỗn độn này để chiếm các vùng đất, tuyển mộ khắp nơi, gây tội ác tràn lan.

Một “mảng kiến tạo” nữa cũng đang rạn nứt là châu Âu – châu lục đang đối mặt với không chỉ cuộc khủng hoảng về “tính hợp pháp chính trị” mà còn phải xử lý các vấn đề về những quốc gia yếu kém như Hy Lạp hay Bulgaria.

Châu Âu cũng đối mặt với hậu quả các cuộc nội chiến ở Trung Đông khi phải hứng làn sóng di cư ồ ạt và các vụ tấn công khủng bố liên miên.

Nỗi lo mà những hậu quả này tạo ra đã làm “bệ phóng” cho các đảng chính trị cực hữu với thông điệp chống người nhập cư, giới tinh hoa chính trị, góp phần tạo ra sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và đe dọa khối thống nhất Liên minh châu Âu.

Mặc dù phương châm của chính quyền Mỹ mới là “nước Mỹ trên hết” nhưng cuối cùng, Mỹ sẽ nhận thấy mình phải quan tâm tới tình hình chính trị thế giới vì lợi ích quyền lực và thịnh vượng Mỹ. Mỹ sẽ nhận thấy mình phải tìm cách khôi phục lại trật tự quốc tế dựa trên quy tắc có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai cho kỷ nguyên mới. Tại thời điểm đó, Mỹ hào hứng ngăn chặn các cuộc chiến đẫm máu ở châu Âu, giúp kiến tạo mạng lưới thể chế khu vực, quốc tế để vực dậy các đồng minh châu Âu.

“Kiến thiết” Trung Đông thời Trump


Ngày nay, Mỹ nói chung và Tổng thống Donald Trump đang có các thách thức tương tự ở Trung Đông. Khu vực này có thể là chảo lửa mà trong đó, trật tự toàn cầu hoặc là được tái lập cho kỷ nguyên mới hoặc là bị tan chảy hoàn toàn.

Syria có thể là phép thử đầu tiên cho ông Donald Trump ở Trung Đông. Nga muốn Mỹ chấp nhận Tổng thống Assad tiếp tục cầm quyền để đổi lại việc Nga hợp tác chống IS và al Qaeda. Tuy nhiên, đây không phải là điều Mỹ muốn từ trước tới nay.

Theo tờ Foreign Policy (Mỹ), ông Trump cần phải đàm phán một giải pháp cho cuộc xung đột Syria sao cho đảm bảo lợi ích của mọi bên, đồng thời thực hiện một chính sách bảo vệ nhân đạo lớn hơn cho dân thường mắc kẹt trong cuộc xung đột. Tiếp đó, ông Trump cần tăng cường nỗ lực chống IS bằng cách phối hợp với các đối tác khu vực, tạo đà giải quyết xung đột dựa trên đàm phán.

Đối với cả khu vực Trung Đông, ông Donald Trump cần một nghị trình ít tham vọng hơn. Biện pháp cần để đưa Trung Đông vào quỹ đạo tích cực hơn cũng giống như biện pháp mà Mỹ từng áp dụng để sốc lại châu Âu cách đây 70 năm: ngừng giao tranh, đàm phán một giải pháp chính trị công bằng và có sự tham gia của mọi bên, vực dậy các nước yếu để giúp họ chống chọi với biến đổi, khuyến khích các lãnh đạo tăng cường tính hợp pháp, khai phá tài năng của người dân, phát triển các thể chế khu vực giúp giảm nhẹ xung đột và tăng cường triển vọng hợp tác.

Để làm được điều này, ông Trump cần phối hợp với các nước trong và ngoài khu vực cùng chia sẻ lợi ích Trung Đông ổn định. Đã đến lúc các nước trong khu vực dẫn đầu, đưa ra tầm nhìn và cùng gánh vách trọng trách mà Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc cần phải hợp tác vì lợi ích đại cục.

Hợp tác giữa phương Tây và Nga trong vấn đề Trung Đông không đơn giản khi mà mỗi bên theo đuổi lợi ích riêng nhưng nếu có thể, lợi ích từ đó sẽ rất lớn. Trung Đông an ninh và thịnh vượng hơn sẽ làm giảm nguy cơ thánh chiến Hồi giáo, ổn định biên giới châu Âu, mở ra một thị trường với hơn 300 triệu người tiêu dùng.

Thùy Dương