08:12 27/08/2018

Tổng thống Trump 'bắn' tín hiệu gì khi hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Pompeo?

Việc nhà lãnh đạo Mỹ bất ngờ hủy chuyến thăm quan trọng dự kiến diễn ra trong tuần này của Ngoại trưởng Pompeo tới Triều Tiên để xúc tiến vòng đàm phán Mỹ - Triều lần thứ tư đã phát đi những tín hiệu xấu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump đã lệnh cho Ngoại trưởng Mike Pompeo hủy chuyến công du Triều Tiên. Ảnh: Getty Images

Nỗi thất vọng của Nhà Trắng

Tổng thống Trump vừa thông báo ông đã hủy chuyến đi quan trọng sắp tới của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên vào tuần này, làm dấy lên lo ngại rằng các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn biến xấu hơn những lo ngại trước đó, cũng như đe dọa làm trật bánh những tiến bộ đạt được trong những tháng vừa qua giữa Washington và Bình Nhưỡng.

"Tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng Mike Pompeo không đến Triều Tiên vào thời điểm này, bởi tôi cảm thấy chúng tôi chưa đạt được đủ tiến bộ liên quan đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên," - ông Trump đăng dòng tweet hôm 24/8 - “Trong thời gian chờ đợi, tôi muốn gửi lời chào nồng ấm và kính trọng nhất đến Chủ tịch Kim. Tôi rất mong sớm được gặp ông ấy! ”

Ngoại trưởng Pompeo và đặc phái viên mới được bổ nhiệm của ông về đàm phán hạt nhân Triều Tiên, Stephen Biegun, dự kiến sẽ tới Bình Nhưỡng trong tuần này để tiến hành vòng đàm phán thứ tư nhằm thuyết phục Triều Tiên dỡ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã không hài lòng trước những tiến bộ ít ỏi đạt được sau hơn hai tháng kể từ khi ông có cuộc gặp song phương lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc thân cận với các cuộc đàm phán Mỹ - Triều tiết lộ với trang Vox rằng, chính quyền Tổng thống Trump thất vọng vì hai bên chưa đạt được những tiến bộ thỏa đáng hướng tới việc tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Quyết định nói trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin cho rằng Triều Tiên đã ngừng tháo dỡ cơ sở phóng tên lửa Sohae. Đây là nơi từng được Triều Tiên sử dụng để thử nghiệm các động cơ nhiên liệu lỏng dùng cho tên lửa đạn đạo và tên lửa vũ trụ.

Chú thích ảnh
Triều Tiên bị nghi ngờ đã dừng tháo dỡ địa điểm thử tên lửa. Trong hình là ảnh chụp vệ tinh Căn cứ phóng vệ tinh Sohae của Triều Tiên vào ngày 3/8/2018. Ảnh: Airbus Defense & Space.

Lý do đàm phán Mỹ-Triều không đạt tiến triển

Lý do chính khiến các cuộc đàm phán đang diễn biến xấu là Triều Tiên không muốn tiết lộ với với Mỹ nơi họ "giấu" kho vũ khí hạt nhân.

Mỹ muốn Triều Tiên công khai toàn bộ chương trình hạt nhân của mình. Điều đó có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ phải để cho Washington biết họ có bao nhiêu tên lửa và bom, cũng như vị trí của tất cả các cơ sở hạt nhân. Việc có được một danh sách chính xác sẽ cho phép Mỹ theo dõi tốt hơn liệu Triều Tiên có thực sự tháo dỡ chương trình hạt nhân của mình hay không và tiến độ tháo dỡ ra sao.

Vấn đề là Bình Nhưỡng có lý do chính đáng để lo lắng về việc bàn giao một danh sách như vậy. Nếu Triều Tiên tiết lộ với Mỹ vị trí cất giữ các vật liệu hạt nhân của mình, họ sẽ dễ bị tấn công hơn. Chính quyền của ông Kim Jong-un, vốn dựa vào chương trình hạt nhân để tự bảo vệ trước nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, sẽ bị suy yếu đáng kể nếu họ bắt đầu phá hủy và tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu của Ngoại trưởng Pompeo về bàn giao 60 đến 70% lượng đầu đạn hạt nhân trong vòng 6 đến 8 tháng. Thậm chí, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Triều Tiên đã tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân trong suốt quá trình đàm phán.

Chú thích ảnh
Người Hàn Quốc theo dõi truyền hình đưa tin Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày ngày 29/11/2017. Ảnh: Getty Images

Làm thế nào để phá vỡ bế tắc?

Một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của Hàn Quốc nói rằng, chính quyền Bình Nhưỡng đang chững lại để đảm bảo sẽ cầm chắc một tuyên bố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ở giai đoạn này, không chắc Mỹ sẽ ký một hiệp ước hòa bình chính thức để chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên, về mặt kỹ thuật vẫn đang diễn ra mặc dù chiến sự đã chấm dứt từ năm 1953.

Giới chuyên gia cho rằng, mối lo ngại chính của Washington về việc ký kết một hiệp ước chấm dứt chiến tranh lúc này là Triều Tiên sẽ yêu cầu rút 28.500 lính Mỹ khỏi Hàn Quốc. Để giải quyết lo ngại này, Mỹ có thể đưa ra một lộ trình từng bước, với kết quả cuối cùng là một hiệp ước hòa bình có chữ ký của Mỹ và các bên khác. Nếu điều đó xảy ra, Triều Tiên có thể cung cấp ít nhất một phần danh sách các vật liệu hạt nhân của họ như một cử chỉ xây dựng niềm tin giữa hai nước. Rồi từng bước, Bình Nhưỡng sẽ đồng ý tháo dỡ nhiều vũ khí hơn, trong khi Mỹ tiến gần hơn tới việc ký kết một hiệp định hòa bình, đảm bảo nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Video Ngoại trưởng Pompeo đến Bình Nhưỡng hồi tháng 7/2018:

Tuy nhiên, lúc này vẫn chưa rõ liệu Mỹ có sẵn sàng đưa ra một đề nghị như vậy để phá vỡ bế tắc hay không, hoặc liệu Bình Nhưỡng có chịu bất kỳ nhượng bộ nào. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump được cho là đã có "kế hoạch dự phòng" để buộc Bình Nhưỡng phải tháo dỡ chương trình hạt nhân nếu các cuộc đàm phán tiếp tục đình trệ.

Theo một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, các quan chức chính quyền đã xem xét các biện pháp tiếp tục gây áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Trong đó có hai đề xuất nổi bật: Thứ nhất, Mỹ sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thiết lập lệnh cấm vận dầu và khí đốt toàn phần với  Triều Tiên; và thứ hai, Mỹ sẽ xử phạt nhiều công ty và có thể là ngân hàng Trung Quốc với cáo buộc giúp Triều Tiên rửa tiền.

Kế hoạch này sẽ làm tăng đáng kể chiến dịch “áp lực tối đa”, trong đó Mỹ và các quốc gia khác đặt ra các hình phạt kinh tế đối với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng phải lựa chọn phi hạt nhân hóa. Chiến lược này trên thực tế đã gặp nhiều trở ngại trong thời gian gần đây vì Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục buôn bán với Triều Tiên. Hôm 3/8 vừa qua, Mỹ đã ra lệnh trừng phạt một ngân hàng Nga vì chấp nhận tiền của Bình Nhưỡng.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Đó là lý do tại sao một số chuyên gia không tin rằng một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ có hiệu lực. "Tôi không biết làm thế nào họ có thể nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong việc thông qua thêm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong khi đàm phán đang diễn ra", Michael Fuchs, một cựu quan chức hàng đầu về vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Trong khi đó, giới phân tích cũng lo ngại rằng một sự cố nặng nề về ngoại giao sẽ khuyến khích những nhân vật "diều hâu" trong Nhà Trắng, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, thúc đẩy lựa chọn tấn công quân sự vào Triều Tiên. Hồi tháng 2 năm nay, hai tháng trước khi gia nhập chính quyền, ông Bolton đã viết một bài đăng trên tờ Wall Street Journal đề xuất tấn công Triều Tiên. Nếu ông Trump chấp nhận đề xuất đó, điều này có thể kích động một trong những cuộc chiến tồi tệ nhất thế giới.

Thu Hằng/Báo Tin tức