07:15 17/07/2019

Tổng thống Trump áp chính sách tị nạn mới, hàng chục nghìn người lao đao

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 15/7 đã có thay đổi lớn trong chính sách nhập cư, cụ thể là đưa ra những quy định mới về tị nạn dự kiến tác động tới rất nhiều người.

Quy định làm khó người di cư

Chú thích ảnh
Người di cư xếp hàng chờ được cấp giấy tờ tại trung tâm lưu trú ở Tapachula, bang Chiapas, Mexico trong hành trình tới Mỹ ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Quy định mới nhằm hạn chế người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ xin tị nạn tại Mỹ nếu họ vào Mỹ bằng đường bộ qua Mexico. Theo CNN, đây là nỗ lực mới nhất của Nhà Trắng nhằm hạn chế nhập cư và thắt chặt quy trình xét đơn xin tị nạn.

Theo đó, quy định mới của Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa yêu cầu một người nước ngoài phải nộp đơn xin tị nạn tại một nước thứ ba trước trên hành trình tới Mỹ xin tị nạn. Quy định mới này có nghĩa là cấm người nhập cư đi qua Mexico xin tị nạn ở Mỹ và do đó sẽ làm giảm mạnh số người đủ điều kiện xin tị nạn. Bước đi của Chính quyền Tổng thống Trump là một sự thay đổi lớn đối với chính sách nhập cư và tiếp nhận tị nạn do Tổng thống Lyndon B. Johnson ký ban hành năm 1965.

Trong những tháng gần đây, số người bị bắt giữ ở biên giới Mỹ-Mexico tăng vọt. Phần lớn người nhập cư tới từ các quốc gia Guatemala, Honduras và El Salvador. Họ đã đi qua Mexico để tới biên giới và vào Mỹ từ đây. Một số đã tự nộp mình cho Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ và xin tị nạn. Quy định mới nói trên nhằm vào nhóm người di cư này.

Chú thích ảnh
Chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người di cư. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kevin McAleenan nói trong một tuyên bố: “Cho tới khi Quốc hội có thể hành động, quy định tạm thời này sẽ giúp giảm nhân tố quan trọng thúc đẩy tình trạng di cư bất bình thường vào Mỹ”. Quy định sẽ cho phép Bộ Tư pháp và An ninh Nội địa xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn các trường hợp di cư từ biên giới phía Nam, làm giảm số người dấn thân vào hành trình nguy hiểm để trung chuyển qua Mexico và Mỹ.

Chính sách nhập cư mới có một số ngoại lệ: người xin tị nạn bị bác đơn ở một quốc gia, nạn nhân buôn người, người trung chuyển qua một nước không ký hiệp ước về người tị nạn. Quy định có hiệu lực ngay tức khắc nhưng chắc chắn sẽ đối mặt với vấn đề pháp lý. Quy định mới mà Mỹ vừa đưa ra là một phần trong nỗ lực tổng hợp của chính quyền nước này trong ngăn chặn dòng người di cư bằng biện pháp cải cách luật tị nạn. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (giữa) phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington DC. ngày 11/7. Ảnh: THX/TTXVN

Tới nay, Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục áp đặt một chính sách khác, theo đó yêu cầu một số người xin tị nạn phải chờ ở Mexico trong giai đoạn xét duyệt nhập cư. Chính sách này được thực hiện từ tháng 1 và đã bị kiện ra tòa. Tuy nhiên, Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ Khu vực 9 đã cho phép Chính quyền Mỹ tiếp tục trả người xin tị nạn về Mexico ở thời điểm hiện tại.

Hồi tháng 4, Tổng thống Trump đã ký một văn bản ra lệnh Bộ Tư pháp và An ninh Nội địa ra các quy định mà lần đầu tiên yêu cầu người xin tị nạn trả phí đăng ký. Tổng thống nói phí này là cần thiết để đảm bảo hệ thống tị nạn không nhận các đơn xin tị nạn giả. Tuy nhiên, một số người chỉ trích đây là nỗ lực trừng phạt người di cư Trung Mỹ vốn nghèo và dễ bị tổn thương.

Ngày 15/7, ông Trump cũng tuyên bố chiến dịch truy quét, bắt giữ người nhập cư không giấy tờ hợp pháp cuối tuần vừa rồi đã diễn ra thành công. Chiến dịch quy mô nhỏ này được triển khai ở 10 thành phố, nhằm vào 2.000 gia đình mới tới Mỹ.

Tiếng nói phản đối

Quy định của Tổng thống Trump bị coi là cú đánh gây sốc nhất, cực đoan nhất với hệ thống tị nạn từ trước tới nay. Các tổ chức bảo vệ quyền người nhập cư ngay lập tức phản đối. 

Chú thích ảnh
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 17/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết lo ngại sâu sắc về biện pháp của Chính quyền Mỹ, cho rằng quy định sẽ khiến những gia đình dễ bị tổn thương gặp rủi ro và làm suy giảm nỗ lực quốc tế trong tìm một biện pháp phối hợp.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định Chính quyền của Tổng thống Trump đã vượt quá thẩm quyền và vi phạm luật. Bà nói: “Tổng thống đang làm tổn hại sinh mạng con người, không tôn trọng giá trị của chúng ta và từ bỏ các tiền lệ, luật lệ từ hàng chục năm qua để phá hủy con đường tị nạn ở Mỹ”.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ có kế hoạch khởi kiện nhanh chóng. Ông Lee Gelernt, Phó giám đốc Dự án Quyền người di cư của liên đoàn, nói trong một tuyên bố: “Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách đơn phương đảo ngược cam kết hợp đạo đức và hợp pháp của đất nước chúng ta trong bảo vệ những người chạy trốn nguy hiểm. Quy định mới này rõ ràng là bất hợp pháp và chúng tôi sẽ nhanh chóng kiện”. Theo luật Mỹ, người di cư được phép xin tị nạn khi đặt chân lên đất Mỹ. 

Bà Sarah Pierce, nhà phân tích chính sách thuộc Viện Chính sách Di cư, phát biểu với NBC News: “Chính quyền Mỹ đang tìm cách chống lại việc xin tị nạn ở biên giới phía Nam từ lâu và nếu họ có thể thoải mái thực hiện quy định này, họ sẽ đặt dấu chấm  hết cho hy vọng xin tị nạn của đại đa số người ở biên giới phía Nam”.

Bà Eleanor Acer, Giám đốc cấp cao phụ trách bảo vệ người tị nạn tại tổ chức Nhân quyền Trước tiên (Human Rights First), cho rằng Chính quyền Mỹ lại một lần nữa định viết lại luật mà Quốc hội đã thông qua để bảo vệ người tị nạn. Bà nói: “Tổng thống không muốn chấp nhận sự thật là việc tìm kiếm sự bảo vệ ở Mỹ là hợp pháp và ông đang làm mọi điều có thể để gây khó dễ quá trình xin tị nạn càng nhiều càng tốt”.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Haiti nghỉ tại một trại tạm ở Guatemala City ngày 10/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Mexico ngày 15/7 đã bác bỏ quy định mới về tị nạn của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mexico cho biết biện pháp này do Mỹ đơn phương thực hiện và sẽ không tác động tới người dân Mexico. Chính phủ Mexico sẽ theo dõi những ảnh hưởng mà quyết định của Mỹ có thể gây ra với những người xin tị nạn từ các nước khác và có đi qua biên giới phía nam của Mexico. Mexico sẽ chú ý đặc biệt trong tôn trọng nguyên tắc “không gửi trả” của luật quốc tế hiện hành.

Chính quyền Mỹ đang tìm cách ký kết thỏa thuận “quốc gia an toàn thứ ba” với Guatemala. Thỏa thuận như vậy sẽ yêu cầu người di cư đi qua Guatemala xin tị nạn tại nước này hơn là tiếp tục tới Mỹ. 

Hiện chưa rõ các quốc gia khác sẽ hợp tác với Mỹ đến đâu khi thực hiện quy định tị nạn mới. 

Tác động sâu rộng

Chú thích ảnh
Người di cư từ Tecun Uman (Guatemala) tới Ciudad Hidalgo, bang Chiapas (Mexico) trong hành trình tới Mỹ ngày 14/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bà Sarah Pierce, quy định trên có thể ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người di cư đang chờ ở Mexico để xin tị nạn hợp pháp tại một cửa khẩu. Số người này bị ùn ứ ở biên giới vì Mỹ áp đặt chính sách hạn chế số người có thể vào cửa khẩu để xin tị nạn trong một ngày. Nhiều người di cư đã phải chờ hàng tuần, hàng tháng ở các thành phố vùng biên giới khắp Mexico. Bà Pierce nói: “Tính từ ngày 16/7, những người này sẽ có thể không còn đủ điều kiện nếu họ chưa xin tị nạn và bị tự chối trước đó ở Mexico”.

Chính quyền Mỹ cho rằng quy định mới không hạn chế khả năng người di cư xin hai hình thức bảo vệ khác: từ chối hoặc hoãn trục xuất; bảo vệ theo Hiệp ước chống tra tấn của LHQ. Tuy vậy, bà Pierce cho rằng điều đó có nghĩa là người di cư sẽ đối mặt nhiều tiêu chuẩn khó khăn hơn và hưởng lợi ít hơn so với hình thức tị nạn. Ví dụ như họ không thể xin cho họ hàng tới Mỹ. Nếu được bảo vệ theo kiểu “từ chối trục xuất”, người di cư có lợi ích rất hạn chế vì cho dù Mỹ tuyên bố sẽ không trục xuất họ nhưng thực ra họ không có tình trạng hợp pháp.

Hơn nữa, hệ thống xét đơn tị nạn ở những nước như Mexico và Guatemala không đủ nguồn lực và không sẵn sàng tiếp nhận một lượng đơn xin tị nạn ồ ạt. Dự báo Mexico có thể nhận khoảng 60.000 đơn xin tị nạn năm 2019, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Một số người có thể xin tị nạn thành công và xây dựng cuộc sống ở Mexico nhưng nhiều khu vực biên giới không an toàn. Người di cư dễ bị tống tiền, bắt có hoặc bạo lực. Tình trạng ở Guatemala còn tồi tệ hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức