01:14 11/01/2022

Tổng thống Putin vạch ‘lằn ranh đỏ’ ở Kazakhstan và Ukraine

Ngày 10/1 là “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Vladimir Putin khi ông tuyên bố Nga không cho phép “cách mạng sắc màu” nổ ra tại các nước láng giềng, kiên quyết yêu cầu NATO thoái lui khỏi các đường biên giới sát Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Kazakhstanh Kassym-Jomart Tokayev. Ảnh: Getty Images

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 10/1, Tổng thống Putin cho bằng việc phái lực lượng Kazakhstan, CSTO đã chứng minh rằng tổ chức này sẽ không cho phép để xảy ra bất ổn ở các nước thành viên và không chấp nhận cái gọi là “cách mạng sắc màu”, một cách nói đề cập đến phong trào nổi dậy từng gây ra các cuộc chính biến ở Georgia và Ukraine hồi năm 2014.

Bình luận lần đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga về tình hình Kazakhstan kể từ khi xuất hiện biểu tình bạo động tại quốc gia Trung Á này cho thấy quyết tâm của Moskva trong việc ủng hộ các đồng minh trong không gian hậu Xô Viết chống lại các cuộc biểu tình đường phố, mà Điện Kremlin cho rằng có sự can dự, hậu thuẫn từ bên ngoài.

“Đương nhiên, chúng ta đều biết những diễn biến vừa qua ở Kazakhstan không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng của những âm mưu can thiệp từ bên ngoài vào các nước thuộc CSTO. Chúng ta không cho phép bất kỳ ai gây bất ổn trong nước và không cho phép ‘cách mạng sắc màu’ nổ ra”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định binh sĩ Nga làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình sẽ ở lại Kazakhstan cho đến khi nào trật tự được khôi phục và Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev thấy không còn cần đến sự trợ giúp của lực lượng Nga. Ông Putin cũng ca ngợi người đồng cấp Kazakhsan vì đã hành động dũng cảm, bày tỏ tin tưởng Kazakhstan sớm ổn định được tình hình.

Theo Tổng thống Putin, “các thế lực phá hoại bên trong và bên ngoài” đã lợi dụng các cuộc biểu tình để trà trộn các nhóm vũ trang có tổ chức nhằm chống phá chính quyền. Những phần từ này được huấn luyện tại các trại khủng bố ở nước ngoài. Có thế lực bên ngoại đã sử dụng internet, truyền thông mạng xã hội để tạo tiền đề cho các cuộc “tấn công khủng bố” bằng cách lôi kéo, tụ tập người biểu tình.

Cùng ngày, tại Genevan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố nếu các nỗ lực ngoại giao của Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vấn đề Ukraine thất bại, Moskva sẽ để ngỏ khả năng về “một giải pháp kĩ thuật quân sự”. Bình luận này được đưa ra tại vòng đàm phán về đảm bảo an ninh Nga-Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ, với người đứng đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman.

Ông Ryabkov tuyên bố Mỹ sẽ bị coi là “đùa với lửa” khi không nhanh chóng xúc tiến, dàn xếp một cam kết, thỏa thuận có ràng buộc pháp lý về giảm hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu và không kết nạp Ukraine làm thành viên. Mọi thỏa thuận đều phải thỏa mãn các tiêu chí mà Moskva đưa ra, bởi NATO là bên ngày một áp sát biên giới Nga và Nga sẽ không thay đổi quan điểm về những vấn đề được xem là then chốt.

Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định phái đoàn Mỹ đã thể hiện lập trường cứng rắn trong hơn 8 giờ đàm phán an ninh với Nga. Mỹ sẵn sàng thảo luận hạn chế “có đi có lại” về triển khai tên lửa và tập trận quân sự, nhưng kiên quyết phản bác những đề xuất an ninh của Moskva, gọi đây là những đòi hỏi không thực tế, đi ngược với chính sách mở cửa của NATO. Bà Sherman cũng lần đầu tiên công khai về khả năng Mỹ áp trừng phạt chống Nga trong trường hợp Moskva can thiệp quân sự ở Ukraine, trong đó có trừng phạt kiểm soát xuất khẩu những công nghệ chủ chốt.

Về phần mình, Thứ trưởng Ryabkov lên án cái mà ông gọi là “hành vi tống tiền” của Mỹ dựa vào con bài trừng phạt, cho rằng Mỹ đã không hiểu được những bài học từ lịch sử và những sự kiện, diễn biến gần đây. Ông cũng có ý chế giễu giới ngoại giao phương Tây khi cho rằng họ chỉ biết cách đe dọa và trừng phạt, nhưng lại không có khả năng tạo lập thỏa thuận.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Axios, FT)