06:21 19/06/2015

Tổng thống Putin: Kinh tế Nga vẫn ổn bất chấp trừng phạt

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga đã có bài phát biểu quan trọng về nền kinh tế Nga, cũng như mối quan hệ giữa kinh tế Nga với thế giới.

Chiều 19/6 theo giờ Việt Nam, tại phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2015), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu quan trọng về nền kinh tế Nga, cũng như mối quan hệ giữa kinh tế Nga với thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Nga, mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Putin khẳng định bất chấp các biện pháp trừng phạt, bao vây của phương Tây, cũng như việc bị hạn chế tiếp cận thị trường vốn quốc tế và nội nhu giảm, nền kinh tế Nga vẫn không bị chìm sâu vào khủng hoảng. Nga đã kiểm soát được lạm phát với chỉ số này trong tháng Tư chỉ là 0,5% và có xu hướng giảm. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng được bình ổn, tỷ lệ thất nghiệp được khống chế và chiến lược thay thế hàng nhập khẩu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Tổng thống Putin yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư. Ông khẳng định Nga sẽ theo đuổi chính sách này và có đủ ngân quỹ để làm điều đó.

Trong thời gian tới, Nga sẽ miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; miễn thuế cho các dòng vốn tái đầu tư; cải thiện luật kinh doanh; thay đổi phương pháp tiếp cận với doanh nghiệp theo hướng cởi mở và hiểu biết hơn; tăng cường cơ sở công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong công nghiệp và nông nghiệp; có chiến lược tạo dựng những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin và đào tạo các chuyên gia am hiểu về thực tiễn cũng như các thị trường mới. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh việc đầu tư cho các tài năng trẻ là đầu tư cho thành công của nước Nga.

Về mối quan hệ giữa kinh tế Nga với thế giới, Tổng thống Putin nhấn mạnh cần phải củng cố liên kết trong Liên minh Kinh tế Á - Âu để phát triển khu vực Viễn Đông của Nga, đồng thời phải tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi hiện chiếm tới 1/4 tỷ trọng kinh tế thế giới.

Ông cũng nhắc tới việc mới đây Liên minh Kinh tế Á - Âu đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên với Việt Nam và khẳng định Nga sẽ nỗ lực hợp tác với tất cả các nước trên nguyên tắc bình đẳng, mở cửa với tất cả để đảm bảo thành công trong phát triển kinh tế.

Nga sẽ tiếp tục hợp tác với Phương Tây

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin tuyên bố Nga cởi mở với thế giới và sẽ hợp tác với Phương Tây bất chấp những căng thẳng dai dẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông nói: "Nga cởi mở với thế giới. Chúng tôi tích cực hợp tác với các trung tâm tăng trưởng mới trên thế giới không có nghĩa là chúng tôi muốn giảm bớt sự chú ý tới việc đối thoại với các đối tác Phương Tây truyền thống".

Cũng tại diễn đàn này, Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông đồng thời cho rằng Phương Tây cần gây sức ép lên Kiev để giúp giải quyết khủng hoảng. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moskva sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình đối với khu vực miền Đông Ukraine thân Nga để giúp các bên đi đến một thỏa hiệp và đảm bảo các thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng 2 được thực thi đầy đủ. Ông tuyên bố: "Một khi các quyết định chính trị phát huy tác dụng thì sẽ không có vũ khí ở đó (miền Đông Ukraine)".

Ông chủ Điện Kremlin đồng thời tái khẳng định lập trường của Nga ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phản đối nước ngoài can thiệp nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột đang ngày càng xấu đi tại quốc gia Trung Đông này.

EU gia hạn trừng phạt Nga

Trong một diễn biến khác, ngày 19/6, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt liên quan tới việc Nga sáp nhập Crimea tới tháng 6/2016.

Ảnh minh họa.


Hội đồng châu Âu (EC) cho biết liên minh 28 thành viên này tiếp tục "lên án việc Liên bang Nga sáp nhập trái phép Crimea và Sevastopol, đồng thời vẫn giữ cam kết thực hiện đầy đủ chính sách không công nhận (tính hợp pháp) của hành động này".

Đáp lại việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, EU đã áp đặt các biện pháp phong tỏa tài sản, cấm thị thực đối với các thủ lĩnh ly khai và những người Nga mà EU cho là âm mưu tách Crimea khỏi Ukraine thông qua cuộc trưng cầu dân ý.


TTXVN/Tin Tức