04:07 27/04/2015

Tổng thống Nga 'không hối tiếc' việc sáp nhập Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông không hề hối tiếc về việc Moskva sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, cho rằng đó là hành động sửa lại sự bất công trong lịch sử.

Trong bài phỏng vấn phát sóng ngày 26/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông không hề hối tiếc về việc Moskva sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, cho rằng đó là hành động sửa lại sự bất công trong lịch sử.


Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại một lễ kỷ niệm 1 năm ngày sáp nhập Nga tại Moskva ngày 18/3. Ảnh: Xinhua


Về quyết định sáp nhập bán đảo Crimea trên Biển Đen từ Ukraine, ông Putin nêu rõ: "Tôi cho rằng chúng tôi đã làm điều đúng đắn và tôi không hối tiếc điều gì. Khi chúng tôi bảo vệ lợi ích của mình, chúng tôi sẽ đi đến cùng. Nếu nhân dân muốn trở lại Nga và không muốn sống dưới chính quyền của những kẻ phát-xít kiểu mới, những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan và các đối tượng ủng hộ (Stepan) Bandera, thì chúng tôi không có quyền bỏ mặc họ". Bandera là lãnh đạo có tư tưởng chống Liên Xô của Quân đội Khởi nghĩa Ukraine (UPA), lực lượng từng vừa hợp tác vừa chiến đấu chống phát-xít.

Ông Putin cũng khẳng định mục đính sáp nhập Crimea không phải vì muốn thôn tính hay vì bán đảo này "có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực quanh Biển Đen" mà chỉ là sửa lại sai lầm trong lịch sử khi mà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển giao Crimea từ Nga cho Ukraine vào năm 1954, một bước đi mang tính biểu tượng vì cả 2 nước khi đó đều thuộc Liên Xô.

Viện dẫn luật pháp quốc tế và hiến chương của Liên hợp quốc, Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga không vi phạm luật pháp quốc tế với các hành động của họ ở Ukraine bất chấp các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.

Na Uy theo sau EU mở rộng trừng phạt Nga

Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết tiếp sau Liên minh châu Âu (EU), Na Uy cũng đã thông qua “danh sách đen” mở rộng dành cho Nga và Ukraine, trong đó có 19 cá nhân và 9 cơ sở pháp nhân.

Tuyên bố chính thức của đại diện bộ trên dành cho hãng thông tấn TASS nêu rõ: "Việc thông qua sửa đổi liên quan đến danh sách những người có tài khoản ở nước ngoài cần phải phong tỏa tương ứng với quyết định gần đây của EU".

Đáng chú ý là Na Uy liên kết với toàn bộ gói biện pháp trừng phạt của EU, mặc dù là quốc gia vùng Scandinavia và không phải là thành viên của liên minh này. “Danh sách đen” của Na Uy giống như danh sách mà EU lập ra.


TN (theo AFP/Sputnik)