05:10 23/05/2011

Tổng thống Mỹ hối thúc lấy đường biên giới trước năm 1967 làm cơ sở cho Nhà nước Palextin tương lai

Tái khẳng định lời kêu gọi lấy các đường biên giới trước năm 1967 để làm cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ixraen và Palextin, ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ quan điểm này phản ánh một chính sách lâu dài của Oasinhtơn.

Tái khẳng định lời kêu gọi lấy các đường biên giới trước năm 1967 để làm cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ixraen và Palextin, ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ quan điểm này phản ánh một chính sách lâu dài của Oasinhtơn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu. Ảnh: Internet


Phát biểu tại Hội nghị Chính sách AIPAC - nhóm vận động hàng lang thân Ixraen chủ chốt ở Oasinhtơn, Tổng thống Obama khẳng định các đường biên giới của Ixraen và Palextin cần được dựa trên các đường ranh giới trước năm 1967 với những thỏa thuận trao đổi được hai bên nhất trí để những đường biên giới an toàn và được công nhận xác lập cho cả hai nhà nước". Tuy Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu đã cực lực bác bỏ lập trường này, nhưng Tổng thống Obama cho rằng lập trường của ông đã bị "bóp méo" và không để ý đến lời kêu gọi của ông về những thỏa thuận trao đổi đất đai cũng như những điều chỉnh đường biên giới được hai bên tán thành. Ông khẳng định điều này có nghĩa là chính các bên - Ixraen và người Palextin - sẽ thương lượng về một đường biên giới khác với đường biên giới tồn tại vào ngày 4/6/1967. Theo Tổng thống Obama, Nhà nước Do Thái sẽ đối mặt với nguy cơ bị cô lập ngày càng gia tăng nếu không đảm bảo một tiến trình hòa bình đáng tin cậy.

Tổng thống Obama cũng đồng thời kêu gọi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas công nhận quyền tồn tại của Ixraen và từ bỏ bạo lực. Ông sẽ tiếp tục yêu cầu lực lượng này chấp nhận các trách nhiệm cơ bản của hòa bình: công nhận quyền tồn tại của Ixraen, từ bỏ bảo lực và tôn trọng tất cả các thỏa thuận hiện hành. Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời một lần nữa kêu gọi Hamas trả tự do cho binh sĩ Ixraen Gilad Shalit, người đang bị giam giữ ở Dải Gaza hơn 5 năm.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định cam kết của Oasinhtơn đối với an ninh của Tel Aviv là "không thể phủ nhận được", nhấn mạnh Mỹ sẽ giúp duy trì "lợi thế quân sự về chất" của Ixraen".

Cùng ngày, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas khẳng định rằng những tuyên bố của ông Obama đề cập đến việc lấy đường biên giới trước năm 1967 làm cơ sở cho các cuộc đàm phán về Nhà nước Palextin là một bước đi theo hướng tốt.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Abbas, người đứng đầu chính quyền Palextin nhấn mạnh các nhà lãnh đạo này đều hoan nghênh quan điểm trên của Tổng thống Obama. Ông Abbas cũng đã quyết định triệu tập một cuộc họp của ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palextin (PLO) vào ngày 25/5 tới để thảo luận về những diễn biến vừa qua và sẽ tham dự cuộc họp của ủy ban giám sát của Liên đoàn Arập nhằm xem xét những tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Obama, nhất là về các vấn đề biên giới của một Nhà nước Palextin tương lai.

Ngay sau bài phát biểu ngày 23/5 của Tổng thống Ôbama tại Hội nghị Chính sách AIPAC, lực lượng Hamas đã bác bỏ lời kêu gọi trên. Theo họ, chính quyền Mỹ đã thất bại trong quá khứ và sẽ thất bại trong những dự định của họ khi thuyết phục Hamát thừa nhận sự chiếm đóng của Ixraen.

Về phần mình, Thủ tướng Ixraen Nêtaniahu ngày 23/5 cho biết ông "coi trọng" những ngôn từ của Tổng thống Ôbama tại Hội nghị Chính sách AIPAC và nói rằng ông có chung quan điểm với nhà lãnh đạo Mỹ đối với hòa bình ở Trung Đông. Trong những bình luận dường như nhằm tháo gỡ cuộc tranh cãi ngày càng sâu sắc với người đứng đầu chính quyền Oasinhtơn, Thủ tướng Ixraen nói: "Tôi chia sẻ nguyện vọng của Ngài tổng thống mong muốn thúc đẩy hòa bình, tôi đánh giá cao những nỗ lực trước đây và hiện tại của ông nhằm đạt được mục tiêu này".

TTXVN