Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/1 đã khẳng định quyết tâm "cắm quốc kỳ" trên Sao Hỏa.
Tuy nhiên, ông không đề cập đến kế hoạch của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) về việc trở lại Mặt Trăng, khiến dư luận thêm tò mò về chiến lược không gian mới của chính quyền ông Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã khởi động chương trình Artemis nhằm đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng như một bước đệm để khám phá Sao Hỏa. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, ông đã bày tỏ sự hoài nghi về sự cần thiết của Mặt Trăng trong hành trình vươn ra vũ trụ.
Phát biểu trong lễ nhậm chức tại Đồi Capitol, tân Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ theo đuổi định mệnh lịch sử của mình trong các vì sao, đưa các phi hành gia Mỹ đến Sao Hỏa và cắm quốc kỳ trên hành tinh đó”.
Quan điểm của ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) công ty khai phá không gian SpaceX - người đã nhiều lần bày tỏ tham vọng biến Sao Hỏa thành nơi định cư của con người. Ông Musk tỏ ra phấn khích khi ông Trump công bố mục tiêu này. Hồi đầu tháng, ông Musk cũng từng viết trên X rằng: “Chúng ta sẽ đi thẳng tới Sao Hỏa. Mặt Trăng là một sự phân tâm”.
Video ông Musk vỗ tay, cười tươi và giơ ngón cái trong sự kiện này nhanh chóng lan truyền, cho thấy sự đồng lòng giữa tỷ phú công nghệ và chính quyền của ông Trump trong chiến lược không gian.
Việc tập trung vào Sao Hỏa và bỏ qua Mặt Trăng sẽ là một thay đổi lớn đối với các chương trình không gian hiện tại, vốn dự kiến tiêu tốn hơn 90 tỷ USD. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể vấp phải sự phản đối từ Quốc hội Mỹ.
Cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều có lợi ích trong việc bảo vệ hàng nghìn công việc liên quan đến chương trình Artemis và Hệ thống Phóng Không gian (SLS) của NASA - một tên lửa hạng nặng với mạng lưới nhà thầu và nhà cung cấp trải rộng khắp nước Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu đáp xuống cực Nam của Mặt Trăng vào năm 2030 - một bước đi mà Mỹ khó có thể bỏ qua nếu muốn giữ vị thế thống trị trong chinh phục không gian.