04:09 17/04/2015

Tổng thống Iran: Đường đến thỏa thuận toàn diện còn khó khăn

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhận định con đường dẫn đến thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với các cường quốc thế giới vẫn còn khó khăn, song cho rằng một thỏa thuận như vậy có thể đặt nền tảng cho "nhiều tương tác hơn" giữa Tehran và toàn thế giới.

Ngày 16/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhận định con đường dẫn đến thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với các cường quốc thế giới vẫn còn khó khăn, song cho rằng một thỏa thuận như vậy có thể đặt nền tảng cho "nhiều tương tác hơn" giữa Tehran và toàn thế giới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani.


Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Rasht ở miền bắc Iran, Tổng thống Rouhani cho rằng nếu Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức) tiếp tục chứng tỏ ý chí như hiện nay, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng có khả năng đạt được trước hạn chót ngày 30/6 tới.

Thỏa thuận này sẽ mở đường cho các tương tác giữa Iran và toàn thế giới, trong đó có P5+1. Ông khẳng định ý chí và quyết tâm của Tehran "tiếp tục các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng", đồng thời nhấn mạnh thế giới cần thừa nhận "quyền dân tộc" của nước Cộng hòa Hồi giáo trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moskva (MCIS), Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan bày tỏ hy vọng rằng nước này và P5+1 sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Dehqan cũng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời khẳng định Tehran sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Liên quan hợp đồng mua hệ thống phòng không S-300 của Nga, ông Dehqan cho biết Tehran và Moskva đang tiến hành đàm phán về thời gian chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân này. Trước đó, phát biểu ngày 15/4 trước khi tới Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết "các đồng nghiệp Nga đã kiểm tra các chi tiết của thỏa thuận S-300 trong năm qua và quyết định rằng hệ thống này sẽ được cung cấp cho Iran vào cuối năm 2015".

Cũng trong ngày 16/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng thiện chí và sự linh hoạt của Iran trong tiến trình hợp tác với phương Tây nhằm tìm giải pháp cho chương trình hạt nhân của Tehran đã khuyến khích Moskva xúc tiến thực hiện hợp đồng bán hệ thống phòng không S-300 cho nước này.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Putin cho biết Nga tiếp tục đóng vai trò là một trong các ủy viên thường trực HĐBA LHQ tham gia đàm phán hạt nhân với Iran.

Ông nói: "Với những tiến triển trong tiến trình đàm phán hạt nhân của Iran - và rõ ràng là lạc quan - chúng tôi không thấy lý do nào để đơn phương tiếp tục giữ lệnh cấm (chuyển giao hệ thống S-300 cho Tehran)". Ngoài ra, ông Putin khẳng định hệ thống S-300 là vũ khí phòng thủ và sẽ không gây bất cứ đe dọa nào đối với Israel, và trên thực tế có thể "là nhân tố răn đe liên quan tới tình hình ở Yemen".

Ngày 13/4, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300 theo hợp đồng ký kết năm 2007 với trị giá 800 triệu USD. Năm 2010, Nga đã hủy hợp đồng bán 5 khẩu đội tên lửa loại này cho Iran sau khi LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này.


TTXVN/Tin tức