05:19 28/05/2017

Tổng thống Donald Trump về nước, đối mặt cuộc điều tra nhằm vào con rể

Tổng thống Mỹ đã trở về nước ngày 27/5 (giờ địa phương), lập tức đối mặt với mối đe doạ pháp lý và chính trị đang dâng cao khi Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của ông, trở thành tâm điểm cuộc điều tra về mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử và chuyển giao của Tổng thống với Nga.

Kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau 9 ngày, Tổng thống Donald Trump quay trở về với cuộc khủng hoảng đã bùng phát từ trước khi ông lên đường, và thậm chí còn dữ dội hơn trong lúc ông vắng mặt. Nhà Trắng đã phải huỷ chuyến đi theo kế hoạch tới bang Iowa trong những ngày tới để cùng nhau lên kế hoạch kiểm soát thiệt hại với việc tăng cường đội ngũ pháp lý, tái tổ chức nhóm truyền thông và rào chắn vụ bê bối đã phủ bóng lên chuyến công du và nay thì đang đe doạ chính gia đình Tổng thống.

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner (thứ ba trái sang) ngồi cùng hàng ghế với Tổng thống Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross khi chuẩn bị gặp Quốc vương Saudi Arabia tại Riyadh hôm 20/5. Ảnh: Reuters

Ông Kushner, người tổ chức các chặng dừng chân của Tổng thống ở Trung Đông trong chuyến công du vừa qua, đã quyết định trở về Washington từ vài ngày trước và tỏ ra nhũn nhặn hơn thường lệ. Tuy nhiên ông không có ý định từ chức cố vấn cấp cao của Tổng thống hay giảm bớt vai trò của mình. Dù vậy, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ông Kushner đang mệt mỏi với những cuộc "chiến đấu" liên miên và những tổn hại tới thanh danh. Theo tờ New York Times, ông đã nói với bạn bè rằng, bản thân và vợ Ivanka Trump chưa từng cam kết sẽ là cố vấn lâu dài cho Tổng thống, mà khẳng định cứ 6 tháng họ lại xem xét có nên trở lại cuộc sống riêng tư ở New York hay không.

Hiện tại thì ông Kushner đang là nhân vật duy nhất tại Nhà Trắng đối mặt với cuộc điều tra của FBI. Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và chiến lược gia Stephen K. Bannon cũng đã phải cắt ngắn chuyến tháp tùng Tổng thống từ sớm, một phần là để trở lại đối phó với những lùm xùm quanh cuộc điều tra về mối liên hệ với Nga cũng như quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey.

Cái tên Kushner bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý khi thứ sáu tuần trước (26/5), tờ Washington Post dẫn nguồn tin thân cận với các nhà điều tra cho hay, FBI đang xem xét nghi vấn ông Kushner đã trao đổi với đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak hồi tháng 12/2016 về việc thiết lập một kênh bí mật giữa đội ngũ chuyển giao của bố vợ ông (Tổng thống đắc cử Donald Trump) với Moskva để thảo luận về cuộc chiến tại Syria và những vấn đề khác. 3 nhân vật từng được thông báo về đề xuất này sau đó đã xác nhận thông tin với tờ New York Times.

Theo đó, cuộc thảo luận kín giữa ông Kushner và đại diện Nga đã diễn ra tại Tháp Trump, có sự tham gia của Michael Flynn, người sau đó được cử giữ chức Cố vấn an ninh quốc gia trước khi bị sa thải vì bê bối quanh cuộc cuộc đàm thoại với đại sứ Nga. Chưa rõ ai là người đầu tiên đưa ra đề xuất kênh liên lạc bí mật với Nga, nhưng ý tưởng này là do ông Flynn trực tiếp nói với một quan chức quân sự Nga, và kênh liên lạc nói trên chưa từng được thiết lập trên thực tế.

Tổng thống Trump cùng con gái Ivanka và con rể Jared Kushner tại Nhà Trắng. Ảnh: New York Times

Theo tờ New York Times, để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Donald Trump và các cố vấn của ông đang cân nhắc một loạt các giải pháp, bao gồm cơ cấu lại đội ngũ cố vấn cũng như thiết lập một “phòng chiến tranh” bên trong Nhà Trắng.

Giới chức Nhà Trắng sẽ nỗ lực tìm cách để hồi sinh lịch trình chính sách tại Quốc hội cũng như mở rộng kênh tiếp xúc giữa Nhà Trắng với công chúng. Các giải pháp cho nỗ lực này bao gồm tăng cường các chuyến công tác và tổ chức mít tinh kiểu như vận động tranh cử trên toàn quốc, để Tổng thống có cơ hội đối thoại trực tiếp với những người ủng hộ. Tổng thống Donald Trump cũng sẽ tăng cường xuất hiện trên truyền thông xã hội, điển hình là qua ứng dụng Facebook Live Video, và trả lời phỏng vấn những cơ quan truyền thông thân thiện.

Các cố vấn Nhà Trắng đang tập hợp một đội ngũ pháp lý từ bên ngoài với những cái tên như Paul D. Clement, Theodore Olson hoặc Brendan Sullivan, và dự định giới thiệu với Tổng thống Trump ngay trong dịp cuối tuần này.

Chiến dịch xử lý khủng hoảng cũng có thể chứng kiến sự trở lại của một số cố vấn “hiếu chiến” hơn như Corey Lewandowski, từng bị sa thải khỏi vị trí Giám đốc Chiến dịch tranh cử gần 1 năm trước, và David N. Bossie, cựu Phó giám đốc Chiến dịch, từng ghi danh trên chính trường với nỗ lực điều tra vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton suốt 2 thập kỷ. Cả hai người này là nhân vật chính được nhắc đến trong những cuộc thảo luận về việc thiết lập một “phòng chiến tranh”, do chiến lược gia Stephen K. Bannon lãnh đạo. "Phòng chiến tranh" chính là trung tâm kiểm soát khủng hoảng được thiết lập nhằm tách biệt cuộc điều tra về mối liên hệ Nga với những vấn đề hàng ngày của chính quyền cũng như công việc điều hành đất nước của Tổng thống.

Đây là cách xử lý “thời chiến” từng được cựu Tổng thống Bill Clinton sử dụng trong vụ bê bối quan hệ tình ái với cô thực tập sinh Monica Lewinsky khiến ông bị luận tội. Ông Clinton khi đó đã chỉ định một đội pháp lý riêng và thiết lập một văn phòng tách biệt để xử lý các vấn đề liên quan cuộc điều tra, nhờ đó Nhà Trắng có thể bảo vệ được hình ảnh quyền lực điều hành và duy trì sự tập trung của công chúng vào những thông điệp lớn hơn của Tổng thống.

Thu Hằng/Báo Tin Tức