03:15 26/03/2018

Tổng thống Ai Cập trước những thách thức lớn

Ngày 26/3, cử tri Ai Cập đã đi bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu nhà nước cho nhiệm kỳ 4 năm tới. Đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi được dự đoán gần như chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc đua song mã không cân sức với đối thủ duy nhất, Chủ tịch đảng al-Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa, một chính trị gia ít tên tuổi.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi. Ảnh: AFP/TTXVN.

Chiến thắng được cho là "trong tầm tay" của đương kim Tổng thống El-Sisi là có cơ sở bởi trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua, ông El-Sisi đã đưa đất nước Kim tự tháp thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và tránh xung đột dai dẳng như ở Syria, Yemen hay Libya, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. Trong suốt chiến dịch tranh cử, các băng rôn và biểu ngữ bày tỏ ủng hộ ông El-Sisi xuất hiện khắp mọi nơi trên các đường phố, quảng trường, các tòa nhà, cửa hiệu, bến tàu và cầu cảng lớn ở Ai Cập.  Một chiến dịch không chính thức ủng hộ Tổng thống El-Sisi với tên gọi “Bạn có thể xây dựng Ai Cập theo cách đó”, do một số chính trị gia và nhà lập pháp phát động hồi tháng 12/2017, cho biết đã thu thập được hơn 12 triệu chữ ký từ người dân Ai Cập ủng hộ ông El-Sisi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Giảng viên Gamal Salama, Chủ nhiệm khoa Chính trị học thuộc Đại học Suez nhận định cuộc bầu cử lần này chỉ là một sự nhắc lại về niềm tin của người dân Ai Cập đối với Tổng thống El-Sisi.

Tuy nhiên, tình hình trong nước và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay cũng báo hiệu ông El-Sisi sẽ có một nhiệm kỳ không êm ả với nhiều thách thức lớn nếu thắng cử.

Có thể thấy, an ninh vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo mới của Ai Cập, bất chấp Chiến dịch Sinai 2018 - một chiến dịch quy mô lớn nhằm truy quét các tổ chức khủng bố và tội phạm ở bán đảo Sinai và nhiều nơi trên khắp đất nước, đang được triển khai rầm rộ. Cuộc chiến chống khủng bố do Tổng thống đương nhiệm El-Sisi phát động đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình an ninh trong nước, giữa lúc làn sóng tấn công của các nhóm khủng bố ngày một gia tăng, gây thương vong lớn cho lực lượng an ninh và dân thường. Kể từ tháng 4/2017, Chính phủ Ai Cập đã phải 3 lần gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp trong nước. Thậm chí, chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập, một ô tô chở bom đã đâm vào một đoàn xe hộ tống chỉ huy an ninh tỉnh duyên hải miền Bắc Alexandria, khiến 2 cảnh sát thiệt mạng và ít nhất 4 cảnh sát bị thương.

Ngoài tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thường xuyên nhận gây ra các vụ tấn công đẫm máy với đe dọa "trả đũa các hoạt động trấn áp của chính quyền", Ai Cập cũng đứng trước mối đe dọa khủng bố từ một số tổ chức cực đoan khác, trong đó nổi bật có nhóm Hasm có quan hệ với tổ chức "Anh em Hồi giáo". Khi cuộc bầu cử đang đến gần, Hasm càng gia tăng các vụ tấn công liều lĩnh, thậm chí ở ngay thủ đô Cairo. Mục tiêu của Hasm là phá hoại các thành tựu mà chính quyền Tổng thống Sisi đã đạt được sau nhiều năm bất ổn, phá hoại nền hòa bình và an ninh, cũng như gây chia rẽ đoàn kết giữa cộng đồng người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Ai Cập.

Đặc biệt, hàng trăm công dân Ai Cập, được cho là đã tới các nước Syria, Libya và Iraq để tham gia các nhóm thánh chiến khác nhau, trong đó có IS tự xưng, nay trở về Ai Cập, cũng đang là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Bắc Phi này. Nhà phân tích Ai Cập Nabil Naeem, chuyên gia về các nhóm thánh chiến khu vực, nhận xét: "Với kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm tại các nước bất ổn này, chúng có thể là mối đe dọa hữu hình đối với an ninh của Ai Cập". Theo chuyên gia này, vấn đề hiện nay là hầu hết các chiến binh trở về nước từ những quốc gia bất ổn đều không có hồ sơ phạm tội ở Ai Cập. Đó là lý do tại sao các cơ quan an ninh khó có thể nhận ra chúng một khi chúng trở về nước, đặc biệt nếu chúng thâm nhập vào Ai Cập một cách bí mật hoặc trở về từ một nước không có biên giới chung với các quốc gia bất ổn nói trên.

Bên cạnh thách thức về an ninh, Tổng thống El-Sisi cũng sẽ phải đương đầu với những lo toan trong điều hành nền kinh tế. Trong gần 4 năm qua, không thể phủ nhận ông El-Sisi đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc đưa kinh tế Ai Cập thoát khỏi giai đoạn dài ảm đạm do tác động của làn sóng "Mùa Xuân Arab". Một loạt lĩnh vực chủ chốt như xuất khẩu, doanh thu của kênh đào Suez, du lịch... cải thiện đáng kể, trong khi thâm hụt ngân sách giảm. Tuy nhiên, các chính sách cải cách kinh tế, trong đó có việc lần đầu tiên áp thuế VAT, tăng mạnh giá điện, và cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội, đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của không chỉ người thu nhập thấp mà cả tầng lớp trung lưu. Các biện pháp kinh tế khắc khổ đã khiến lạm phát leo thang, đẩy giá cả hàng hóa lên cao, khiến những người sống dưới chuẩn nghèo (chiếm hơn 25% dân số Ai Cập) rơi vào cảnh khốn cùng, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao.

Ngoài ra, chính phủ Ai Cập cũng đang chìm trong "bong bóng" nợ nước ngoài hiện đã lên tới 79 tỷ USD và đang ngày càng phình to. Vấn đề giảm tỉ lệ đói nghèo và nâng cao mức sống người dân, đồng thời tạo việc làm, đặc biệt tại những khu vực bất ổn như bán đảo Sinai đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, an ninh bất ổn vẫn khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại khi đến tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Ai Cập.

Tốc độ tăng trưởng dân số "quá nóng" cũng là bài toán khó ở Ai Cập hiện nay. Số liệu thống kê của Chính phủ Ai Cập cho thấy dân số nước này đã tăng vọt từ 99 triệu người vào tháng 6/2016, lên mức 101 triệu người hiện nay, trong đó 8 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài. Giới chức Ai Cập cảnh báo việc dân số gia tăng nhanh chóng sẽ cản trở các kế hoạch phát triển của nước này, đặt ra thách thức trong việc bảo đảm để mọi người dân được tiếp cận với nền giáo dục, các cơ hội về việc làm và dịch vụ y tế.

Giới chuyên gia nhận định rằng nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết, cùng với đó là sự bất mãn của một bộ phận dân chúng về các chính sách kinh tế và những giải pháp an ninh hiện nay, cũng tạo ra nguy cơ đẩy xã hội Ai Cập vào tình trạng bất ổn, thậm chí có thể bị lợi dụng để kích động làn sóng chống đối. Theo đánh giá của giới phân tích, để đảm bảo an ninh cũng như ổn định kinh tế, Chính phủ Ai Cập cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy các cải cách kinh tế theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu từ nước ngoài, cũng như tăng cường các chính sách an sinh nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp.

Kết quả bầu cử chính thức sẽ được Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập thông báo vào ngày 2/4 tới. Với trọng trách nặng nề hiện nay, người đứng đầu của đất nước Kim tự tháp sẽ phải tiến hành một cuộc cải cách đáng kể trong các chính sách điều hành, đưa đất nước thoát hẳn khỏi thời kỳ bất ổn, hướng tới giai đoạn thịnh vượng, phát triển với vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.

Phan An (TTXVN)