07:07 10/07/2012

Tổng thống Ai Cập thách thức quyền lực giới quân sự

Ngày 9/7, dấu hiệu đầu tiên về mâu thuẫn giữa tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi với Tòa án Hiến pháp và phe quân sự đã bộc lộ sau khi Tòa án Hiến pháp Ai Cập (SCC) bác bỏ sắc lệnh của ông Morsi về việc khôi phục hoạt động của quốc hội nước này hôm 8/7.

Ngày 9/7, dấu hiệu đầu tiên về mâu thuẫn giữa tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi với Tòa án Hiến pháp và phe quân sự đã bộc lộ sau khi Tòa án Hiến pháp Ai Cập (SCC) bác bỏ sắc lệnh của ông Morsi về việc khôi phục hoạt động của quốc hội nước này hôm 8/7. Sắc lệnh của Tổng thống Morsi đã đảo ngược quyết định hồi tháng 6/2012 của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) giải tán quốc hội căn cứ theo một phán quyết của SCC, đồng thời đã đặt ông Morsi vào tình thế đối đầu với SCC và SCAF.


 

Những người ủng hộ Tổng thống Morsi giương biểu ngữ “Tất cả chúng tôi ủng hộ quyết định đúng đắn của Tổng thống Morsi” trên quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairô ngày 9/7/2012.

 

Trước đó, hôm 14/6, SCC đã phán quyết rằng 1/3 số ghế trong quốc hội được bầu đầu năm nay là không hợp lệ, đồng thời Luật Cách ly chính trị cấm các quan chức chế độ cũ hoạt động chính trị là vi hiến. Ngày 15/6, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) cầm quyền đã ra lệnh giải tán quốc hội, do phe Hồi giáo kiểm soát, theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao và quyền lập pháp được trao lại cho SCAF.


Tuy nhiên, tuyên bố ngày 9/7 của SCC cũng nhấn mạnh “đây không phải là một phần của bất kỳ cuộc xung đột chính trị nào... mà chỉ là giới hạn trong nhiệm vụ thiêng liêng của SCC nhằm bảo vệ văn bản hiến pháp”. Tuyên bố của SCC được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Quốc hội Ai Cập mời Hạ viện nước này nhóm họp vào lúc 2 giờ chiều (12 giờ GMT) ngày 10/7 theo sắc lệnh của Tổng thống. Sắc lệnh của Tổng thống Morsi cũng đưa ra quy định về cách tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội mới chỉ hai tháng sau khi cuộc trưng cầu dân ý của nước này thông qua một hiến pháp mới của Ai Cập, cũng như đạo luật mới về điều hành quốc hội.


Quyết định trên của Tổng thống Morsi được giới phân tích cho là sẽ gây gia tăng căng thẳng với SCAF, vốn lãnh đạo chính quyền lâm thời của Ai Cập sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ cho đến khi ông Morsi lên nắm quyền hôm 30/6 vừa qua.


Theo hãng thông tấn MENA, SCAF đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp hôm 8/7 do Nguyên soái Hussein Tantawi chủ trì để “thảo luận về các biện pháp của tổng thống”. Động thái trên, được các tờ báo của Ai Cập coi là một “cơn địa chấn chính trị”, cũng có thể đặt ông Morsi vào một cuộc “xung đột” với ngành tư pháp cũng như các đảng phái của nước này.


Cùng ngày 9/7, trong một động thái phản ứng về tình hình căng thẳng trên chính trường Ai Cập, Mỹ đã thúc giục quốc gia này tôn trọng “các nguyên tắc dân chủ”. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Tommey Vietor nói: “Các diễn biến xảy ra quá nhanh và chúng tôi đang theo dõi sát sao các động thái và giữ liên hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Ai Cập. Dù vậy thì đây là những vấn đề mà chính người Ai Cập phải tự quyết định theo cách tôn trọng các nguyên tắc dân chủ”.


L.H (tổng hợp)