11:06 27/11/2012

Tổng thống Ai Cập nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng

Trong bối cảnh chính trường Ai Cập đang đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới sau khi tuyên bố hiến pháp mới được ban hành, Tổng thống Mohamed Morsi đã có những động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Trong bối cảnh chính trường Ai Cập đang đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới sau khi tuyên bố hiến pháp mới được ban hành, Tổng thống Mohamed Morsi đã có những động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng.


 

Người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Tòa án Tối cao Ai Cập ở Cairô ngày 24/11.

 

Ngày 26/11, Tổng thống Morsi có kế hoạch họp với các thẩm phán cấp cao với hy vọng tìm được tiếng nói chung trong bản tuyên bố hiến pháp mới vừa được ông ban hành hôm 22/11 và đang bị giới tư pháp Ai Cập phản đối gay gắt.


Trước đó, Tổng thống Morsi đã gặp các cố vấn và phụ tá của ông để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay xung quanh việc ban hành bản tuyên bố hiến pháp.


Văn phòng Tổng thống Ai Cập ngày 25/11 cho biết, tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi chỉ là "biện pháp tạm thời" và tổng thống sẽ tổ chức đối thoại dân tộc với tất cả các lực lượng chính trị nhằm đạt được đồng thuận về nội dung dự thảo hiến pháp. Văn phòng này khẳng định: Việc ban hành văn bản trên là cần thiết nhằm truy tố tội phạm tham nhũng và các tội phạm khác, đồng thời trả lại quyền lợi cho các nạn nhân trong cuộc cách mạng ngày 25/1/2011. Tuyên bố hiến pháp mới cũng giúp tránh việc "chính trị hóa" các cơ quan tư pháp, ngăn chặn âm mưu phá hoại hay giải tán Hội đồng lập hiến và Hội đồng Shura (Thượng viện).


Trong khi đó, tối 26/11, hãng thông tấn MENA cho biết ngày 4/12 tới, Hội đồng Nhà nước - cơ quan được xem như tòa án hành chính của Ai Cập - sẽ xem xét 12 đơn kiện đòi hủy bỏ tuyên bố Hiến pháp mới của Tổng thống Morsi.


Tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi đã vấp phải phản ứng gay gắt của giới tư pháp Ai Cập và gây chia rẽ trầm trọng hơn trong xã hội Ai Cập.


Hội đồng tư pháp tối cao Ai Cập (SJC) đã tổ chức cuộc họp khẩn hôm 24/11 khẳng định động thái của Tổng thống Morsi là "đòn tấn công chưa từng có" vào tính độc lập và các phán quyết độc lập của hệ thống tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp Ahmed Mekki cho rằng lẽ ra Tổng thống nên tiến hành đối thoại với các lực lượng chính trị trước khi ban hành tuyên bố hiến pháp; đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ "phá hủy nhà nước Ai Cập".


Chủ tịch Hội đồng Shura, ông Ahmed Fahmi cũng cho rằng tuyên bố hiến pháp "gây chia rẽ nghiêm trọng giữa phe Hồi giáo và người dân", đồng thời hối thúc Tổng thống Morsi tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc với tất cả các lực lượng chính trị trong nước.


Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Quốc gia (NCHR) Abdel Ghaffar Shukr ngày 26/11 đã tuyên bố từ chức để phản đối tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi. Cùng ngày, nhiều tòa án tại Alexandria, Damanhour và Minya cũng tổ chức đình công để phản đối.


Trong khi đó, hàng trăm nghìn người thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi vẫn tiếp tục cuộc xuống đường biểu tình từ ngày 23/11 để bày tỏ quan điểm khác nhau về bản tuyên bố hiến pháp mới.


Tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairô, khoảng 10.000 người biểu tình tụ tập hô các khẩu hiệu phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo và đòi hủy bỏ tuyên bố hiến pháp của Tổng thống. Nhiều người biểu tình dựng lều trại tại khu vực này để ở lại qua đêm, trong khi quân đội dựng rào chắn di động trên đường phố để ngăn những người quá khích xông vào bên trong trụ sở các cơ quan công quyền, trong đó có Hội đồng Shura, nơi đang diễn ra các cuộc thảo luận về dự thảo hiến pháp. Trong khi đó, tại tỉnh Kafr Al-Sheikh, gần 30.000 người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và tổ chức Hồi giáo Salafist cũng đổ xuống đường biểu tình để ủng hộ tuyên bố hiến pháp của Tổng thống.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) - Hồng Hạnh