09:08 08/09/2012

Tổng kết 5 năm đề án xây dựng xã hội học tập

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng xã hội học tập nhằm tổng kết 5 năm và xây dựng Đề án Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020.

Ngày 7/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng xã hội học tập nhằm tổng kết 5 năm và xây dựng Đề án Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020.


 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị trực tuyến.Ảnh: An Đăng - TTXVN

 

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, qua 5 năm triển khai đề án xây dựng XHHT, cả nước đã huy động được hơn 383.000 người theo học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Tính đến năm 2010, cả nước đã huy động được khoảng gần 12.000 trẻ em ở độ tuổi 6 đến 10 có hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở trường phổ thông được theo học chương trình phổ cập. Tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội nhằm nâng cao khả năng công tác cho gần 400.000 cán bộ cấp xã, huyện...


Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể vẫn chưa phát huy được vai trò trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng XHHT, còn thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ và hiệu quả. Bên cạnh đó năng lực hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng thấp; đội ngũ cán bộ, giáo viên, báo cáo viên của các cơ sở còn thiếu và yếu.


Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương kiến nghị với Đảng, Chính phủ cần có nghị quyết về phát triển giáo dục, trong đó cần đề cập đến việc xây dựng XHHT. Hỗ trợ kinh phí hàng năm để nông dân và những người hết tuổi lao động được tham gia học tập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống…


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong điều kiện nguồn kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn, những thành tựu của việc thực hiện Đề án Xây dựng XHHT trong thời gian qua là rất đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng XHHT chính là góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, nâng cao năng lực làm việc cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều mô hình giáo dục đa dạng đã được hình thành tại khắp các địa bàn, các cấp cơ sở, đặc biệt là các Trung tâm học tập cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các thôn, xã.


Phó Thủ tướng chỉ đạo cần xác định công cụ để thực hiện việc xây dựng XHHT ở nước ta phải dựa trên nền tảng của chính hệ thống các cơ sở giáo dục chính quy, tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới là phát thanh, truyền hình để giáo dục từ xa và giáo dục mở rộng cho mọi nhóm đối tượng với chi phí thấp. Đồng thời các bộ, ngành chức năng phải bổ sung và hoàn chỉnh thêm để xây dựng được các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp cho mọi người dân được đảm bảo quyền học tập trong suốt cuộc đời.


Phó Thủ tướng yêu cầu: Việc xây dựng Đề án XHHT giai đoạn 2012 -2020 cần tiến hành đồng bộ và bám sát vào các mục tiêu đặt ra để mang tính khả thi cao, có các dự án thành phần về các nội dung: Xóa mù chữ, đẩy mạnh phổ cập tin học và ngoại ngữ; Nâng cao trình độ và khả năng thích ứng nghề nghiệp cho người lao động; Nâng cao trình độ cho người lao động, nông dân; Nâng cao trình độ cán bộ, công chức viên chức; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; Nâng cao giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và tổ chức cuộc sống cho mọi người dân,...


Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị đầu mối xây dựng đề án giai đoạn 2012- 2020 cần đề ra những mục tiêu cụ thể, gắn với thực tế; công cụ thực hiện phải đủ mạnh, có sự phối hợp của chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể; có sự đầu tư nguồn lực hợp lý, trong đó ưu tiên cho các tỉnh vùng khó khăn. Các tỉnh, thành phố cũng cần đưa các chỉ tiêu về xây dựng XHHT vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 


Hoàng Hoa