10:21 10/10/2021

Tổng hợp COVID-19 tuần 3-10/10: Khôi phục vận tải hành khách an toàn, linh hoạt; lộ trình ngừng các bệnh viện dã chiến

Trong tuần từ 3-10/10, dư luận quan tâm đến các thông tin như: Tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt; Thích ứng an toàn, thống nhất trên toàn quốc để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển về quê khi qua khu vực bão, lũ; Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến…

Tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt

Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện hỏa tốc số 1322/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di chuyển khỏi điểm trung chuyển huyện Phú Xuyên để tiếp tục hành trình về quê, chiều 9/10. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN

Công điện nêu rõ, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Để từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách một cách thận trọng, an toàn, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8/10/2021; tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo nêu trên cũng như chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế. Yêu cầu các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo nêu trên.

Giao Bộ GTVT và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.

Thích ứng an toàn, thống nhất trên toàn quốc để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh

Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; bàn nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, có thể bùng phát, lây lan bất cứ lúc nào, với mức độ khó dự đoán do sự biển đổi của virus. Do đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân, doanh nghiệp đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, song cũng không được mất bình tĩnh để sáng suốt, linh hoạt ứng phó, thích ứng với dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, những ngày gần đây nổi lên một số vấn đề như: việc đi lại của người dân; người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở về quê; vấn đề giao thông vận tải; công nghệ còn chưa thống nhất, thông suốt giữa các nền tảng; việc chăm lo đời sống cho nhân dân vẫn còn sót lọt; trong khi đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được phục hồi...

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tuần tới, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo an toàn cho người dân di chuyển về quê khi qua khu vực bão, lũ

Ngày 10/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 108/QGPCTT gửi Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc đảm bảo an toàn cho người lao động di chuyển qua khu vực đang diễn ra bão, lũ.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, diễn biến bão số 7 và tình hình thiên tai 10 ngày tới khả năng hình thành bão và áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lũ lớn gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, gây rủi ro rất cao trên tuyến quốc lộ 1, liên tỉnh, liên huyện khu vực miền Trung.

Hiện nay, lực lượng lao động từ một số tỉnh phía Nam đang di chuyển trên tuyến đường bộ qua khu vực miền Trung có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và sức khỏe, nhất là phụ nữ và trẻ em trên phương tiện xe máy hoặc đi bộ.

Để góp phần đảm bảo an toàn việc di chuyển lực lượng lao động qua vùng có thiên tai đang và sẽ xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo việc hỗ trợ cũng như thông tin tới các lực lượng lao động có nhu cầu di chuyển biết được diễn biến của bão lũ; có kế hoạch, phương án di chuyển đảm bảo an toàn.

Ngày 10/10, Việt Nam ghi nhận 3.528 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; TP Hồ Chí Minh giảm 595 ca

Ngày 10/10, Việt Nam có 3.528 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; TP Hồ Chí Minh giảm sâu khi ghi nhận 1.067 ca trong ngày.

Chú thích ảnh
Một em bé theo mẹ vào khu vực thay đồ bảo hộ khi đoàn công dân về đến sân Trung đoàn 814. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trong số các ca nhiễm mới, có 15 ca nhập cảnh và 3.513 ca ghi nhận trong nước (giảm 999 ca so với ngày trước đó) tại 41 tỉnh, thành phố (có 1.211 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đồng Nai (tăng 87 ca), Cần Thơ (tăng 23 ca), Trà Vinh (tăng 21 ca).

Trong ngày 10/10, cả nước ghi nhận 113 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (82 ca), Bình Dương (12 ca), Ninh Thuận (6 ca), Long An (4 ca), Đồng Nai (3 ca), Tây Ninh (1 ca), Bình Phước (1 ca), Đắk Nông (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Cà Mau (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 119 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.555 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến

Với số ca mắc COVID-19 mới ngày càng giảm và ca khỏi bệnh, xuất viện ngày càng tăng, ngày 9/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đang xây dựng lộ trình ngừng hoạt động các bệnh viện dã chiến trên địa bàn, trả lại trường học, ký túc xá, nhà tái định cư do tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, Thành phố đã lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường bệnh nhằm thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hiện 16 bệnh viện dã chiến vẫn đang tiếp tục điều trị cho khoảng 9.443 F0. Do các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài.

Hiện tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư phục vụ người dân, ngành y tế Thành phố đã xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ.

Theo đó, dự kiến các bệnh viện dã chiến thành phố sẽ lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12/2021. Riêng các Bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021 bởi đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng, tiếp tục hoạt động để các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động theo lộ trình. Ngoài ra, Bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng do yêu cầu hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm Thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình).

Giá xét nghiệm cao hơn thực tế: Bộ Y tế đề nghị các địa phương lập đoàn kiểm tra

Ngày 5/10Bộ Y tế đã có công văn gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Bộ Y tế cho biết, nhân dân và một số cơ quan truyền thông đã phản ánh giá mua, bán các loại test xét nghiệm kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm COVID-19 như: Giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, giá dịch vụ xét nghiệm không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân...

Để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và nâng giá, lợi ích nhóm, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan quán triệt và chỉ đạo các sở. ban, ngành và các đơn vị liên quan trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung hoạt động đã nêu trong Công văn số 7952/BYT-TTrB ngày 23/9/2021 và Công văn số 8151/BYT-TTrB ngày 28/9/2021 của Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
XM/Báo Tin tức