12:21 08/12/2021

Tổng hợp COVID-19 ngày 8/12: Ca mắc mới vẫn tăng ở nhiều tỉnh, thành; WHO khuyến cáo ứng phó chủng Omicron ở Việt Nam

Ngày 8/12, cả nước 14.599 ca mắc mới COVID-19, đang điều trị 7.506 ca bệnh nặng; WHO khuyến cáo các yếu tố ứng phó với biến chủng Omicron ở Việt Nam; Hà Nội phát hiện 709 ca F0; TP Hồ Chí Minh có số F0 trở nặng tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mở rộng giường bệnh… là những tin nổi bật trong ngày 8/12.

Ngày 8/12, cả nước có 14.599 ca mắc mới COVID-19, đang điều trị 7.506 ca bệnh nặng

Tính từ 16 giờ ngày 7/12 đến 16 giờ ngày 8/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.599 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó tiếp tục là TP Hồ Chí Minh, Bến Tre và Kiên Giang.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Thông tin các ca nhiễm mới trong đó có 4 ca nhập cảnh và 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 8.322 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (1.475 ca), Tây Ninh (874 ca), Sóc Trăng (781 ca), Bình Phước (747 ca), Bến Tre (740), Đồng Tháp (725 ca), Cần Thơ (676 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (539 ca), Vĩnh Long (525 ca), Cà Mau (511 ca), Khánh Hòa (489 ca), Đồng Nai (461 ca), Bình Dương (455 ca), Trà Vinh (443 ca), Bạc Liêu (438 ca), Kiên Giang (422 ca), Hà Nội (396 ca), Tiền Giang (307 ca), An Giang (279 ca), Hải Phòng (265 ca), Bình Thuận (262 ca), Hậu Giang (248 ca), Bình Định (234 ca), Thanh Hóa (219 ca), Nghệ An (197 ca), Lâm Đồng (181 ca), Bắc Ninh (173 ca), Đà Nẵng (169 ca), Thừa Thiên Huế (163 ca), Gia Lai (135 ca), Hà Giang (109 ca), Đắk Nông (100 ca), Ninh Thuận (87 ca), Long An (77 ca), Hưng Yên (72 ca), Phú Yên (67 ca), Quảng Nam (66 ca), Nam Định (60 ca), Quảng Ninh (56 ca), Quảng Ngãi (44 ca), Thái Nguyên (44 ca), Hải Dương (44 ca), Vĩnh Phúc (37 ca), Phú Thọ (34 ca), Thái Bình (33 ca), Quảng Bình (29 ca), Bắc Giang (25 ca), Yên Bái (16 ca), Quảng Trị (14 ca), Tuyên Quang (14 ca), Hòa Bình (10 ca), Sơn La (9 ca), Lào Cai (7 ca), Hà Nam (5 ca), Cao Bằng (3 ca), Điện Biên (2) ca, Lai Châu (1 ca), Bắc Kạn (1 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (giảm 341 ca), Cần Thơ (giảm 222 ca), Bình Dương (giảm 190 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là TP Hồ Chí Minh (tăng 510), Bến Tre (tăng 299), Kiên Giang (tăng 193).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.777 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.352.122 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.714 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.346.811 ca, trong đó có 1.033.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn, Lai Châu.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (481.923 ca), Bình Dương (285.589 ca), Đồng Nai (90.555 ca), Long An (38.960 ca), Tây Ninh (35.085 ca).

Từ 17 giờ 30 ngày 7/12 đến 17 giờ 30 ngày 8/12 ghi nhận 230 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (75 ca, trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến), An Giang (24 ca), Đồng Nai (18 ca), Bình Dương (16 ca), Tiền Giang (14 ca), Long An (13 ca), Vĩnh Long (12 tử vong trong 2 ngày 7 - 8/12), Kiên Giang (12 ca), Tây Ninh (11 ca), Cần Thơ (10 ca), Sóc Trăng (4 ca), Lâm Đồng (3 ca), Cà Mau (3 ca), Trà Vinh (2 ca), Khánh Hòa (2 ca), Bình Phước (2 ca), Bình Thuận (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Hà Nội (1 ca), Hải Phòng (1 ca), Hòa Bình (1 ca), Nghệ An (1 ca), Bến Tre (1 ca).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 204 ca/ngày.

WHO khuyến cáo các yếu tố ứng phó với biến chủng Omicron ở Việt Nam

"Trong khi tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, thực hiện các biện pháp xã hội và y tế công cộng đã được hiệu chuẩn và có mục tiêu, chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng có thêm nhiều trường hợp mắc, cần đảm bảo hệ thống y tế được chuẩn bị kỹ càng để xử lý các ca bệnh và giảm thiểu sự gián đoạn các hoạt động y tế, kinh tế-xã hội...", Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu rõ.

Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Biến chủng này đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, được các chuyên gia nhận định "có nhiều đột biến hơn tất cả các biến thể trước đó". Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, đưa ra khuyến cáo để Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới đã chứng minh rằng, ngay cả khi chúng ta nỗ lực hết sức, trên toàn cầu, virus cũng sẽ không biến mất trong thời gian gần.

"Trong khi tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, thực hiện các biện pháp xã hội và y tế công cộng đã được hiệu chuẩn và có mục tiêu, chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng có thêm nhiều trường hợp mắc, cần đảm bảo hệ thống y tế được chuẩn bị kỹ càng để xử lý các ca bệnh và giảm thiểu sự gián đoạn các hoạt động y tế, kinh tế-xã hội...", Tiến sỹ Kidong Park nêu rõ.

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam xem xét một số hành động. Theo đó, Việt Nam nên tăng cường giám sát bao gồm giải trình tự gen của các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành và gửi trình tự gen hoàn chỉnh cũng như các dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu công khai đã có sẵn, ví dụ như Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về cúm mùa (GISAID).

Về biện pháp 5K và vaccine, Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao ở tất cả các nhóm đủ điều kiện tiêm; kết hợp với biện pháp 5K - phương pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch này. "Điều quan trọng là, tất cả các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, phải được tiêm đủ hai mũi", Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực y tế và y tế công cộng trong việc phối hợp nhịp nhàng hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc đặc biệt, để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho công chúng cũng như cộng đồng quốc tế về tình hình công tác phòng, chống dịch.

Ngày 8/12, Hà Nội phát hiện 709 ca F0, đợt dịch thứ tư đã có tổng số 15.255 ca bệnh

Ngày 8/12, Hà Nội ghi nhận 709 ca bệnh dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 28 quận, huyện. Trong đó số ca cộng đồng là 243 ca, trong khu cách ly là 329 ca và khu phong tỏa 137 ca.

Số ca mắc mới ghi nhận tại 28 quận, huyện: Đống Đa (177 ca), Đông Anh (86 ca), Gia Lâm (46 ca), Hoài Đức (41 ca), Thường Tín (34 ca), Thanh Xuân (27 ca), Hoàng Mai (25 ca), Chương Mỹ (23 ca), Hai Bà Trưng (23 ca), Bắc Từ Liêm (21 ca), Cầu Giấy (18 ca), Hà Đông (16 ca), Nam Từ Liêm (15 ca), Sơn Tây (15 ca), Tây Hồ (15 ca), Thanh Trì (15 ca), Mê Linh (14 ca), Long Biên (12 ca), Quốc Oai (11 ca), Thạch Thất (11 ca), Ba Đình (10 ca), Đan Phượng (9 ca), Hoàn Kiếm (9 ca), Sóc Sơn (9 ca), Phú Xuyên (8 ca), Thanh Oai (8 ca), Ba Vì (6 ca), Ứng Hòa (5 ca).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 15.255 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.847 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 9.408 ca.

Ngày 8/12, TP Hà Nội phân bổ khẩn 6.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà cho 30 quận/huyện/thị xã, mỗi địa phương nhận 200 túi. Mỗi túi thuốc gồm hai loại: Thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg) và vitamin C 500mg. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà cho người trên 18 tuổi.

TP Hồ Chí Minh: F0 trở nặng tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mở rộng giường bệnh

Chú thích ảnh
F0 trở nặng gia tăng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 dự kiến mở rộng giường bệnh.

Trước tình trạng bệnh nhân nặng gia tăng trong những ngày gần đây, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã phải mở rộng hoạt động trở lại và đề xuất nâng số giường bệnh lên 500 giường.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, trong 10 ngày gần đây, số F0 lẫn số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại TP Hồ Chí Minh tăng trở lại. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 30 - 35 bệnh nhân nặng chuyển đến.

Trước đó, khi tình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đã tạm lắng dịu, lực lượng y, bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc chi viện cho TP Hồ Chí Minh đã rút về, đầu tháng 11/2021, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ còn khoảng 150 giường bệnh, 1 khu cấp cứu và 3 khoa điều trị.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thanh Linh, với lượng bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian gần đây, bệnh viện đã mở rộng hoạt động trở lại. Cụ thể, ngày 5/12, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã đưa vào hoạt động trở lại khu điều trị ICU 2B.

"Bệnh viện hiện đang có khoảng trên 200 bệnh nhân, chúng tôi đang đề xuất tăng thêm lực lượng để trong một tuần nữa có thể nâng ít nhất là 300 giường bệnh, dự kiến thời gian tới sẽ lên 500 giường bệnh. Lúc đó, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mới có thể đảm bảo tiếp nhận người bệnh vào đúng tầng điều trị của mình, qua đó giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19", bác sĩ Trần Thanh Linh thông tin.

Cũng trong ngày 8/12, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh vừa được Bộ Y tế bổ sung cho thêm 25.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir.

Theo ông Tăng Chí Thượng, 25.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir về TP Hồ Chí Minh vào chiều 7/12 và đã được phân phối đến các trạm y tế. Tuy nhiên, số thuốc này vẫn chưa đáp ứng đủ cho khoảng 85.000 F0 mà hiện TP Hồ Chí Minh đang có. Vì vậy, ngành y tế sẽ xem xét ưu tiên cho F0 thuộc các đối tượng trong nhóm nguy cơ.

Tại phiên chất vấn về công tác phòng chống dịch COVID-19 kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X ngày 8/12, ông Tăng Chí Thượng cho biết, thuốc kháng virus Molnupiravir sau thời gian thử nghiệm đã chứng minh hiệu quả và gần đây có thêm một loại thuốc điều trị COVID-19 rất tốt.

"Điều đáng mừng, hai công ty nắm bản quyền của hai loại thuốc này đã đồng ý nhượng quyền cho Việt Nam. Trong những ngày sắp tới, Bộ Y tế sẽ cấp phép cho sản xuất trong nước. Sở Y tế hy vọng, thời gian không xa nữa thuốc điều trị COVID-19 sẽ phong phú và không còn khan hiếm như trong thời gian qua", ông Tăng Chí Thượng thông tin.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chuyển đổi công năng thành ICU 500 giường

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường, Bệnh viện đang lắp đặt thêm các đầu cung cấp oxy, bổ sung trang thiết bị cho toàn bộ giường bệnh tại tất cả các khoa, phòng.

Tính đến ngày 8/12, cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19, trong số này có hơn 100 bệnh nhân phải can thiệp oxy trở lên (đánh giá là mức độ nặng trở lên). Các bệnh nhân chuyển đến viện hầu hết là bệnh nhân lớn tuổi (có trường hợp 101 tuổi), đang điều trị các bệnh lý cấp tính/mãn tính như suy thận mạn, tiểu đường, huyết áp, HIV, xơ gan, ung thư... Ngoài số bệnh nhân đang phải can thiệp oxy trở lên, số còn lại là những đối tượng có nguy cơ trở nặng.

Đây là nhóm bệnh nhân mắc bệnh nền cấp tính chuyển từ Bệnh viện Việt Đức bị chấn thương hoặc sau mổ, hoặc bệnh nhân từ khoa Sản bệnh lý ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi đang điều trị bệnh nặng thì mắc COVID-19.

Hiện khoa Cấp cứu bệnh viện đang điều trị cho khoảng 80 ca F0 ở mức độ nặng, phải hỗ trợ từ thở oxy đến thở máy, lọc máu... Mỗi ngày, có thêm khoảng 10 bệnh nhân diễn biến nặng, phải hỗ trợ hô hấp với oxy liều cao (HFNC).

Theo các bác sĩ, phần lớn bệnh nhân diễn biến nặng tại khoa đều chưa hoặc mới tiêm một mũi vaccine COVID-19. Những tuần gần đây, khi số mắc tại miền Bắc tăng cao, số bệnh nhân vào khoa Cấp cứu cũng tăng lên.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế thành lập trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường, Bệnh viện đang lắp đặt thêm các đầu cung cấp oxy, bổ sung trang thiết bị cho toàn bộ giường bệnh tại tất cả các khoa, phòng. Việc lắp đặt được tiến hành theo từng nửa khoa phòng, hình thức cuốn chiếu. Đến nay, đã hoàn thành trên 50% tiến độ chuyển đổi công năng.

Ngoài Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, khu vực miền Bắc còn có các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 lập 1.000 giường ICU; Việt Đức cơ sở 2, Trường Đại học Y Hà Nội cơ sở 2, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103 mỗi nơi 500 giường; Phổi Trung ương 200 giường. Việc các bệnh viện chuyển đổi công năng thành trung tâm ICU nằm trong đề án thành lập 12 trung tâm ICU COVID-19 ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử đoàn bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ An Giang chống dịch

Ngày 8/12, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử đoàn chuyên gia công tác gồm 21 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên khoa lên đường để trực tiếp hỗ trợ Tỉnh An Giang trong công tác cấp cứu, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử đoàn bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ An Giang chống dịch COVID-19. Ảnh: bachmai.gov.vn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 8/12, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử đoàn chuyên gia công tác gồm 21 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên khoa lên đường để trực tiếp hỗ trợ tỉnh An Giang trong công tác cấp cứu, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Trước đó, ngày 2/12, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử đoàn công tác gồm 9 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm lên đường để hỗ trợ An Giang cấp cứu, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng. Đây là các bác sĩ, điều dưỡng thuộc các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Truyền nhiễm, là những cán bộ đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID -19 và đã tham gia hỗ trợ tại nhiều điểm nóng về dịch COVID-19 trước đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện đánh giá cao tinh thần xung phong, chung tay, chung sức của các y bác sĩ lên đường chi viện cho An Giang; dặn dò các thành viên trong đoàn trước khi lên đường. Đồng thời mong muốn tất cả các thành viện trong đoàn phát huy kinh nghiệm chống dịch tại các điểm nóng và mang tình cảm, tinh thần của Bạch Mai đến với người dân của tỉnh An Giang, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh An Giang vào ngày 5/12, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ đã cam kết với lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện sẽ hỗ trợ, hợp tác toàn diện trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hiện đại tại chỗ (ECMO, lọc máu…), tư vấn cải tạo hệ thống oxy, khí nén, kết nối các Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của tỉnh với hệ thống hội chẩn trực tuyến tại Bệnh viện Bạch Mai… nhằm góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID - 19 tại địa phương.

Sơn La: Đánh giá nguyên nhân một học sinh tử vong sau 3 ngày tiêm vaccine COVID-19

Ngày 7/12/2021, trên địa bàn huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La xảy ra vụ việc một học sinh tử vong sau 3 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo báo cáo của huyện Thuận Châu, từ ngày 4 - 5/12/2021, huyện tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn. Sáng 4/12, em V.A.L được bác sĩ khám sàng lọc theo quy trình tiêm chủng, không phát hiện triệu chứng đặc biệt và được chỉ định tiêm vaccine Pfizer mũi 1.

Sau khi tiêm, nam sinh này được hướng dẫn về khu vực theo dõi khoảng 60 phút, không có biểu hiện gì và được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo gia đình, đến khoảng 16 giờ ngày 6/12/2021, em V.A.L thấy mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu khám và điều trị.

Bệnh nhân sau đó rơi vào tình trạng mệt lả, đau tức ngực, khó thở, da nổi vân tím. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán bị trụy mạch chưa rõ nguyên nhân, theo dõi phản vệ độ II sau tiêm vaccine COVID-19 ngày thứ 3. Tiên lượng bệnh nhân nặng.

Sau khi được cấp cứu, ngay trong tối 6/12/2021, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để tiếp tục theo dõi, điều trị. Đến chiều 7/12/2021, bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.

Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Sơn La đang đánh giá nguyên nhân tử vong của học sinh này.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)