11:21 24/11/2021

Tổng hợp COVID-19 ngày 24/11: Việt Nam thêm 11.811 ca mắc mới COVID-19; các địa phương khẩn cấp phòng chống dịch

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 24/11 thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam có thêm 11.811 ca mắc mới COVID-19; các địa phương khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó dịch bệnh và kiểm tra tiêm vaccine cho độ tuổi 15-17.

Ngày 24/11, Việt Nam thêm 11.811 ca mắc mới COVID-19

Tính từ 16 giờ ngày 23/11 đến 16 giờ ngày 24/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.811 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Tây Ninh.

Chú thích ảnh
Các vận động viên tham gia Giải Bơi, Lặn quốc gia năm 202 được test COVID-19 trước khai mạc. Ảnh: TTXVN.

Thông tin về các ca bệnh mắc mới trong ngày: Có 22 ca nhập cảnh và 11.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 663 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 6.578 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (giảm 364 ca), An Giang (giảm 139 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 123 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (tăng 462 ca), Cần Thơ (tăng 412 ca), Tây Ninh (tăng 154 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.349 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.155.778 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.150.625 ca, trong đó có 934.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 

Trong ngày 24/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 25.951 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 937.261 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.533 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 129 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.243 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm.

Riêng Hà Nội ghi nhận 285 ca bệnh dương tính mới với virus SARS-CoV-2 tại 27 quận, huyện. Trong đó số ca cộng đồng là 159 ca, trong khu cách ly là 115 ca và khu phong tỏa 11 ca. Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 8.547 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.204 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.343 ca.

Các địa phương khẩn cấp phòng chống dịch

Trước xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm cho người dân TP Hồ Chí Minh tại điểm tiêm số 1 Huyền Trần Công Chúa (Quận 1). Ảnh: Thu Hương/TTXVN.

Trong đó, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch. Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng trong phòng chống dịch; kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng, chống COVID-19; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao phải cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, không chuyển lên tuyến trên đối với bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng để phòng tránh quá tải và nguy cơ lấy nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị, ưu tiên điều trị tầng 1, 2, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời.

Tại TP Hà Nội, đoàn công tác của quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra quy trình tiêm vaccine Pfizer cho độ tuổi 15-17 tại các điểm trường và trạm y tế phường. 

Tại các tỉnh Cao Bằng, Bến Tre... chính quyền địa phương đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp phong tỏa, cách ly những khu vực liên quan đến các ca nhiễm để hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. UBND thành phố Cao Bằng đã ra văn bản chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống dịch COVID-19 lây lan, trong đó tạm dừng hoạt động Trường THCS Hợp Giang và nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hàng quán có liên quan đến các trường hợp nói trên; phong tỏa các khu dân cư nơi các bệnh nhân sinh sống; truy vết, rà soát các trường hợp có liên quan đến F0, F1, F2 để có biện pháp ứng phó thích hợp; không tập trung đông người.

Trong khi đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, giảm tải cho các khu điều trị bệnh nhân COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ được chăm sóc tốt hơn về thể chất, tinh thần. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn cung cấp tài liệu và hướng dẫn người thực hiện cách ly, người trong cùng gia đình thực hiện sử dụng các công cụ, đồ dùng sinh hoạt, phương tiện y tế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình cách ly; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải của người cách ly tại nhà để xử lý theo quy định...

 

Vân Sơn/Báo Tin tức