12:21 02/12/2021

Tổng hợp COVID-19 ngày 2/12: Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng; rà soát việc tiêm vaccine

Trong ngày 2/12, dư luận trong nước quan tâm đến thông tin nổi bật như: Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19; Việt Nam có 13.698 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và có 210 ca tử vong; sẽ tiêm 1 mũi nhắc lại sau 6 tháng tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19…

Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19

Ngày 2/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Công điện về việc tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người bị nhiễm COVID-19.

Chú thích ảnh
Hà Nội diễn tập các tình huống dịch tại trạm y tế lưu động. Ảnh: TTXVN.

Công điện nêu rõ, những ngày gần đây, số ca mắc, số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng gia tăng. Trong các nguyên nhân, có bất cập trong quản lý, hỗ trợ, điều trị người bị nhiễm COVID-19; dù đã đủ vaccine nhưng vẫn còn một số lượng đáng kể người già, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.

Trước vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trong độ tuổi được chỉ định. Đặc biệt lưu ý những người cao tuổi, người có bệnh nền; chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với hệ thống y tế dự phòng để tiêm an toàn, nhanh nhất. Triển khai khẩn trương việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường.

Bộ Y tế phân bổ ngay thuốc kháng virus dạng viên để các tỉnh, thành phố tổ chức cấp phát cho tất cả những người bị nhiễm virus uống ngay sau khi được xác định dương tính.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hệ thống theo dõi, quản lý sức khỏe cho tất cả những người bị nhiễm virus; không để xảy ra tình trạng người nhiễm virus không liên hệ được với cơ sở y tế, không được phát thuốc điều trị ngay (bao gồm cả thuốc kháng virus nêu trên).

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép, công tác mua sắm bảo đảm đủ thuốc điều trị; tổ chức tăng cường lực lượng cho các địa phương có yêu cầu.

Việt Nam có 13.698 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 và 210 ca tử vong

Tính từ 16 giờ ngày 1/12 đến 16 giờ ngày 2/12, Việt Nam ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu số ca mắc trong ngày.

Trong số các ca nhiễm mới, có 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (giảm 284 ca), Bình Dương (giảm 228 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 119 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Bạc Liêu (tăng 80 ca), Bến Tre (tăng 88 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 83 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.568 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.846 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.261.035 ca, trong đó có 1.002.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Từ 17 giờ 30 ngày 1/12 đến 17 giờ 30 ngày 2/12, cả nước ghi nhận 210 ca tử vong tại các địa phương:

Tại TP Hồ Chí Minh có 80 ca, trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (1).

Sẽ tiêm 1 mũi nhắc lại sau 6 tháng tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19

Theo Bộ Y tế, người dẫn sẽ được tiêm 1 mũi nhắc lại sau ít nhất 6 tháng hoàn thành mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung; sử dụng vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Theo Bộ Y tế, đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi; trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và gần 68% người tiêm đủ 2 liều; một số tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80-90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn.

Theo đó, việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nên cần được ưu tiên tối đa.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12/2021 về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Về việc tiêm liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 được thực hiện đối với các nhóm đối tượng bao gồm: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế…. Việc tiêm nhắc lại sử dụng vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA; tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.

Hà Nội tiếp tục lập kỷ lục mới ghi nhận 509 ca F0 trong ngày 2/12

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 1/12 đến 18 giờ ngày 2/12, Hà Nội ghi nhận 509 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 233 ca cộng đồng, 198 ca trong khu cách ly, 78 ca trong khu phong tỏa.

Các ca nhiễm mới phân bố tại 191 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện: Đống Đa (75), Gia Lâm (45), Ba Đình (41), Thanh Xuân (30), Nam Từ Liêm (25), Hà Đông (23), Hoàn Kiếm (23), Soc Sơn (20), Thường Tín (19), Chương Mỹ (17), Tây Hồ (17), Hai Bà Trưng (16), Hoài Đức (16), Thanh Oai (16), Bắc Từ Liêm (15), Hoàng Mai (15), Mỹ Đức (15), Đan Phượng (14), Mê Linh (12), Thanh Trì (10), Long Biên (8), Quốc Oai (8), Phú Xuyên ( 5), Phúc Thọ (5), Ba Vì (4), Cầu Giấy (4), Đông Anh (4), Ứng Hòa (4), Thạch Thất (2), Sơn Tây (1).

Số ca mắc COVID-19 tăng cao, Cà Mau tăng cường các biện pháp phòng dịch

Liên tiếp những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau gia tăng, đáng quan tâm là số ca ghi nhận mới trong cộng đồng vẫn chưa ‘‘hạ nhiệt’’.

Riêng ngày 1/12, trong số 507 ca mắc mới, có đến 259 ca phát hiện trong cộng đồng. Đây là con số cao nhất so thời điểm từ khi xảy ra dịch cho đến nay tại địa phương này.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, số ca mắc ghi nhận tại tỉnh từ đầu năm đến sáng 2/12 là 9.720 ca. Dự báo số ca mắc mới còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, Ban Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là chủ động ứng phó với biến thể Omicron.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, tỉnh chuẩn bị kịch bản để chủ động ứng phó với biến thể Omicron. Giải pháp ưu tiên trong thời điểm hiện nay đó là phải kiềm chế số ca mắc COVID-19, không để xảy ra quá tải ở các bệnh viện dã chiến và cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất số ca chuyển nặng, nguy kịch, tử vong.

XC/Báo Tin tức