07:11 21/07/2025

Tổng Bí thư: Ngành Kiểm sát nhân dân góp phần kiến tạo xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2025), đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội thi đua yêu nước của ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII, kết nối đến các điểm cầu trực tuyến trong hệ thống của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cùng dự có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao qua các thời kỳ, cùng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu ngành Kiểm sát nhân dân…

Tại buổi Lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cũng nhân dịp này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” cho các cá nhân có công lao đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Viện Kiểm sát nhân dân, tuyên dương 9 tập thể điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác.

Gìn giữ và phát huy phẩm chất: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”

Trong diễn văn tại buổi Lễ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960 đã quy định Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960 là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước Việt Nam và kể từ đó, ngày 26/7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.

Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn gìn giữ và phát huy những phẩm chất cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Những phẩm chất này là kim chỉ nam, là động lực để ngành Kiểm sát nhân dân không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần giữ vững kỷ cương, pháp chế, bảo vệ công lý và xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ghi nhận những đóng góp to lớn trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985, 1990, 2020); Huân chương Sao vàng (năm 2010); Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2015); nhiều Danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều huân chương, cờ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, dù với tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ nào, Viện kiểm sát nhân dân cũng có vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; ngành Kiểm sát nhân dân cũng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao, đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân, từ việc bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, củng cố chính quyền nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đến bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành quả to lớn mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong suốt 65 năm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới là rất quan trọng - là một trong những trụ cột bảo vệ công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là một thành tố quan trọng trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần kiến tạo một xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh - nơi công lý được thực thi, pháp luật được thượng tôn và lòng dân được củng cố.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai

Chú thích ảnh

Để thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị công tác của ngành kiểm sát phải luôn bám sát và phục vụ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc. Phải đặt hoạt động của Ngành trong tổng thể yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh Đảng ta đang chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, các chủ trương đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị - xã hội và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Từ việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, hiện đại, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mô hình Viện kiểm sát nhân dân 3 cấp sau sắp xếp, tinh gọn; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong nội bộ ngành; xây dựng Viện kiểm sát nhân dân luôn là một trong những thiết chế quan trọng để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn sự liêm chính của hệ thống tư pháp, góp phần trực tiếp bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân - những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai. Mỗi cán bộ kiểm sát phải nhận thức rõ rằng mình đang tham gia trực tiếp vào sứ mệnh bảo vệ nền tảng pháp lý cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ theo lời Bác Hồ đã dạy, người cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đồng thời phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ công tác, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc trong giai đoạn mới.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tặng tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư yêu cầu không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong hoạt động công tố phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, chú trọng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, đồng thời cũng bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, đây là trách nhiệm chính của mỗi cán bộ, công chức, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân. Hoạt động kiểm sát không chỉ là thực thi pháp luật, mà còn là thực thi công lý với tinh thần nhân văn; pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện. Mỗi quyết định truy tố, không truy tố, kháng nghị hay kiến nghị... đều liên quan đến số phận của một con người, vì vậy phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng cả lý và tình, bảo đảm công lý được thực thi, người bị xử lý “tâm phục, khẩu phục”, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp đất nước.

Trong kiểm sát hoạt động tư pháp, phải bảo đảm mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật; bảo đảm quyền lực tư pháp được kiểm soát chặt chẽ; bảo đảm phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực ngay chính từ các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại. Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; đây là nhiệm vụ mới mà Đảng, Nhà nước giao cho Viện Kiểm sát, đề nghị các đồng chí cần đầu tư con người, cơ sở, vật chất để làm tốt công tác này.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm phòng truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng các biện pháp phi tố tụng (hoà giải, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận nhận tội...) nhằm chống lãng phí, giảm thiểu xung đột xã hội, tiết kiệm nguồn lực con người và vật chất, giảm chi phí tố tụng, chi phí xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát nói riêng. Viện Kiểm sát phải rà soát, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát trong nội bộ của ngành; tham gia xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phân công, phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính. Việc phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ giữa Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án phải gắn liền với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền hạn độc lập của từng cơ quan; phối hợp là để bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Tổng Bí thư lưu ý, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa ngành kiểm sát, hướng tới mô hình Viện kiểm sát điện tử, cắt bỏ thủ tục trung gian, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, thời gian xử lý hồ sơ thủ công, tăng tính minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ.... mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác kiểm sát; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ngành Kiểm sát.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm phòng truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư tin tưởng ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống 65 năm vẻ vang, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đặt niềm tin vững chắc vào ngành Kiểm sát nhân dân.

*Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm Trung tâm điều hành thông minh ngành Kiểm sát nhân dân.

Trung tâm điều hành thông minh ngành Kiểm sát nhân dân ra đời nhằm tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa ngành kiểm sát, hướng tới mô hình Viện kiểm sát điện tử, cắt bỏ thủ tục trung gian, nâng cao hiệu quả xử lý công việc.  

Với mục tiêu, đưa việc xử lý vụ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân (nhập thông tin liên quan tới vụ án, duyệt báo cáo án, ban hành lệnh, quyết định tố tụng…), từ lúc một vụ án được bắt đầu cho tới lúc kết thúc, được thực hiện toàn trình trên môi trường số; bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Thời gian tới, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu án hình sự giữa 3 ngành Công an - Viện Kiểm sát - Tòa án; áp dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ lãnh đạo, kiểm sát viên trong hoạt động nghiệp vụ, đưa ra quyết định chính xác hơn, kịp thời, nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ… 

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)