10:08 18/10/2012

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ngày 17/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội) và cử tri quận 1, quận 3 (TP Hồ Chí Minh).

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ngày 17/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội) và cử tri quận 1, quận 3 (TP Hồ Chí Minh).

 

Phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân


Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội), đa số cử tri bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, nhất là việc xem xét thông qua Luật Thủ đô, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng... Cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về nhiều vấn đề như: đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; quy hoạch, quản lý đô thị...


 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

 

Cử tri Nguyễn Văn Lịch, phường Thụy Khuê cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông thấm thía những nội dung của Hội nghị Trung ương 6 và phấn khởi nhận thấy bước đầu Trung ương đã có biện pháp cứng rắn. Trước nhiều vấn đề bức xúc xã hội, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhân dân mong muốn Đảng sẽ làm đến nơi đến chốn, kiên quyết từ trên xuống dưới, để cán bộ thực sự là công bộc của nhân dân.


Liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, cử tri Bùi Thị Cương cho rằng, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Chương trình, nội dung đào tạo hiện còn nặng về lý thuyết, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, việc ngăn chặn gian dối trong học tập, thi cử, bệnh thành tích chưa có chuyển biến... cần cải cách triệt để từ cấp phổ thông đến đại học.


Nhiều cử tri đề nghị Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò giám sát tối cao, nhất là với những vấn đề liên quan sát sườn đến đời sống của nhân dân như: tái định cư, quản lý và sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; hiệu quả sử dụng vốn vay, tỷ lệ nợ xấu, nợ công lớn; việc xây dựng các công trình quan trọng quốc gia, vấn đề an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2...


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các đại biểu Quốc hội đã cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri về nhiều vấn đề quốc kế dân sinh; trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội, đồng thời đôn đốc chỉ đạo kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề cử tri nêu.


Xung quanh công tác quản lý nhà nước về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản..., Tổng Bí thư nêu rõ: Nhiều nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, nhưng khâu tổ chức, chỉ đạo thực hiện vẫn là khâu yếu kém, chưa ráo riết quyết liệt cụ thể hóa, thể chế hóa, chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giám sát, tổng kết, phát hiện vấn đề và chỉ đạo thực hiện, nên chủ trương, nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đó là do bố trí cán bộ có nơi, có chỗ không đúng, chưa đủ năng lực, chưa đủ tầm; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật chặt chẽ, đồng bộ; chưa phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.


Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về vấn đề đất đai, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đất đai là nguồn lực vô cùng quí báu, là tài sản quốc gia, là nguồn sống của nhân dân. Trước đây, Việt Nam có hơn 30 mươi triệu dân mà không đủ ăn, bây giờ 86 triệu dân, vẫn đất ấy thôi mà làm đủ ăn, lại xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm. Bước sang cơ chế thị trường, đất đai càng quí giá, nhưng vì sao hơn 70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, thậm chí tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm... cũng bị chi phối bởi đất đai. Hai kỳ hội nghị vừa qua, Trung ương đã bàn rất kỹ về đất đai, những quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, trong đó khẳng định rõ: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, giao đất cho nông dân sử dụng lâu dài, Nhà nước định giá đất, không để doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá đất.


Tổng Bí thư cũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri quan tâm, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; những công việc cần tiếp tục thực hiện tốt, quyết tâm làm trong thời gian tới, nhằm tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 4, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực tế cuộc sống. Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, không chỉ kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà còn nhiều việc phải tiếp tục làm lâu dài, thường xuyên, kiên trì như “đánh răng rửa mặt hàng ngày”, từ cấp trung ương cho đến cấp cơ sở. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không phải kỷ luật nhiều mới là tốt, mà cốt để cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa. Tổng Bí thư mong rằng, bằng sự chân thành, tâm huyết và trách nhiệm, mỗi tổ chức, cá nhân cần nghiêm túc kiểm điểm, tự giác nhìn nhận những thiếu sót, khuyết điểm của chính mình để sửa chữa, khắc phục.

 

Đấu tranh kiên quyết với tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí


Tại buổi tiếp xúc với đông đảo cử tri quận 1 và quận 3, mở đầu phần kiến nghị, ông Lê Văn Minh, cử tri phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh bày tỏ, thắng lợi kết quả Hội nghị trung ương 6 là bước đầu, đã tạo được niềm tin mới. Ông nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần có sự kiên quyết mạnh mẽ hơn nữa, bởi phát triển bền vững mà không đẩy lùi được tham nhũng thì tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội không hiệu quả. Ông mong muốn, Quốc hội với sự tập trung trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu có đức, có tài, tiếp tục ban hành các văn bản về phòng chống tham nhũng, đồng thời giám sát hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội lớn của quốc gia. Cùng với xây dựng được các thiết chế phòng chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước phải nâng cao vai trò phát hiện tham nhũng. Lần lượt sau đó, ý kiến của các cử tri Lương Minh Nguyệt, cử tri phường Nguyễn Cư Trinh; Trần Thanh Quang, cử tri phường Cô Giang; Nguyễn Thanh Long, cử tri phường Bến Nghé, quận 1, đều bày tỏ sự quan tâm với kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Hội nghị Trung ương 6, với tinh thần cần tiếp tục thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa. Cử tri Lương Minh Nguyệt thẳng thắn “đặt hàng” các đại biểu, nêu yêu cầu sau hội nghị Trung ương 6, thì các bước tiếp theo sẽ là gì? Các cử tri chất vấn: “Vì sao tham nhũng ngày càng nhiều mà không ngăn chặn được”? đồng thời đề nghị: “Cần trị tội những kẻ tham nhũng thật bình đẳng trước pháp luật”.


Gần 50 ý kiến đại diện cho hơn 500 cử tri tham dự buổi tiếp xúc tại hai quận 1 và quận 3 đánh giá cao nội dung sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 như thông qua quy chế bỏ phiếu tín nhiệm, thông qua và cho ý kiến 1 số luật quan trọng như Luật đất đai, Luật dự trữ, Luật Phòng chống thiên tai... Tuy nhiên, các cử tri bày tỏ chưa hài lòng khi những bất cập tồn tại trong giáo dục đào tạo chưa được khắc phục, quản lý đất đai, đô thị chưa đi vào trật tự, thuần phong mỹ tục đang ngày càng bị xâm hại, những sai phạm trong quản lý kinh tế - xã hội chưa được xử lý triệt để, thủ tục hành chính còn rườm rà, chế tài luật chưa đủ mạnh....


Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Trao đổi với cử tri về những nội dung liên quan tới thông báo Hội nghị Trung ương 6, Chủ tịch nước nêu rõ, đây là kết quả bước đầu. Trong công cuộc xây dựng Đảng, phê bình và tự phê bình là hết sức quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất. Công tác xây dựng Đảng còn rất nhiều việc phải làm. Việc kiểm điểm của Bộ Chính trị và Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã được thực hiện với tinh thần hết sức nghiêm túc. Quá trình góp ý, tiếp thu, kiểm điểm, không phải khép lại sau hội nghị, mà sẽ làm thường xuyên dưới sự giám sát của cán bộ, đảng viên cả nước.

 

Sau khi có thông báo ngắn gọn nội dung Hội nghị Trung ương 6 đăng tải trên báo chí, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có văn kiện gửi đến Ban Tuyên giáo các tỉnh, nói rất rõ khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, khuyết điểm của cá nhân đồng chí trong Bộ Chính trị. Tại sao Bộ Chính trị nhận hình thức kỷ luật, tại sao đề xuất Ban Chấp hành Trung ương có hình thức kỷ luật với tập thể, cá nhân đều nói rất rõ. Chủ tịch nước khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình; tiếp tục thực hiện khẩn trương, bài bản về những nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đề ra. Chủ tịch nhấn mạnh, việc của Đảng làm, dân có quyền kiểm tra giám sát; kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 thông qua quy chế bỏ phiếu tín nhiệm cũng là hình thức giám sát hiệu quả. Về những bức xúc của cử tri với tình trạng tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, đây là việc hết sức hệ trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.

 

Bên cạnh việc thành lập Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cũng sẽ xem xét sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, tạo động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, mỗi cử tri phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh với tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chủ tịch nước cho rằng, dẫu hiện tượng trù úm không được xử lý có dẫn đến tình trạng e ngại, né tránh, nhưng nếu chỉ vì sợ sệt mà để những kẻ xấu làm điều sai trái, phương hại lợi ích quốc gia thì không thể chấp nhận được.

 

Nguyễn Thị Sự - Hoàng Giang