04:04 08/04/2014

Tôn vinh giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương

Với tinh thần giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014.

Với tinh thần giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014.


Các địa phương cùng dâng hương


Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014, cho biết: Năm nay là năm lẻ, nên lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng sẽ do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, với sự tham gia của 4 tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An.

 

Lễ rước kiệu về Đền Hùng sáng 7/4/2014 ngày 8/3 năm Giáp Ngọ.


Lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày mùng 6 - 10/3 âm lịch (tức là từ ngày 5 - 9/4/2014), trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó các hoạt động chính chủ yếu diễn ra là ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì (Phú Thọ).


Các địa phương trong tỉnh có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương sẽ dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại đền Thượng, tức là vào 7 giờ sáng ngày 10/3 âm lịch.


Từ ngày 5/3 âm lịch, lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi thức truyền thống đã bắt đầu. Lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ được thực hiện ngày 6/3 âm lịch, ngày 8/3 tổ chức lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra tại đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.


Ngoài các nghi lễ truyền thống, Lễ hội Đền Hùng năm 2014 còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.

 

Chương trình nghệ thuật “Về miền quê di sản”, một trong những hoạt động mở màn của Lễ hội Đền Hùng năm 2014.


Với mong muốn khơi dậy những giá trị cội nguồn, sức mạnh của tình đoàn kết của người dân Việt Nam, điểm nhấn quan trọng xuyên suốt trong Lễ hội Đền Hùng chính là việc tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương. Một chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Về miền quê di sản” diễn ra tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thiên nhiên, đất nước, con người và bản sắc văn hóa của tỉnh Phú Thọ - miền đất có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, đó là “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Liên hoan hát xoan thanh thiếu nhi lần thứ nhất năm 2014, một trong những hoạt động văn hóa mở đầu cho các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014, với sự tham gia của trên 40 diễn viên từ 6 - 18 tuổi, đến từ 4 phường xoan gốc ở thành phố Việt Trì là: An Thái, Kim Đức, Phù Đức và Thét. Liên hoan nhằm tôn vinh các di sản văn hóa đặc sắc của đất Tổ, giáo dục tình yêu nước, nhớ ơn Vua Hùng đã có công dựng nước…

 

Việc tổ chức liên hoan cũng góp phần thực hiện cam kết chương trình hành động của tỉnh Phú Thọ với tổ chức UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan, từng bước đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015. Đây cũng là dịp để các phường xoan trong thành phố có điều kiện giao lưu học hỏi, tạo niềm yêu thích hát xoan cho các thế hệ, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu nhi, qua đó bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.


Sức sống mãnh liệt, trường tồn của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng được khẳng định qua triển lãm "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Cội nguồn Tổ", diễn ra tại Bảo tàng Hùng Vương, với sự góp mặt của hàng trăm bức ảnh giới thiệu về Lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, cũng như của kiều bào ta ở nước ngoài.


Bên cạnh đó, trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, ở nhiều địa điểm trong các di tích và ở các làng xoan gốc, các đào xoan sẽ biểu diễn những làn điệu xoan đặc sắc, nhằm giúp du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của di sản hát xoan, một di sản có từ thời Hùng Vương và gắn chặt với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.


Các di sản cùng tỏa sáng


Với tinh thần để các di sản cùng tỏa sáng, các tỉnh tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cùng Phú Thọ cũng mang theo di sản của địa phương mình góp vui: Tỉnh Vĩnh Long, Long An mang đờn ca tài tử - tân di sản thế giới vừa được UNESCO ra góp vui, tỉnh Bắc Ninh mang di sản quan họ về hội tụ, tỉnh Quảng Bình lại mang đến những điệu hò đặc trưng… “Đây là lần đầu tiên di sản văn hóa phi vật thể ba miền hội tụ tại Lễ hội Đền Hùng, giúp du khách trẩy hội Đền Hùng khám phá những nét đặc biệt trong kho tàng di sản phong phú của Việt Nam. Qua đó khơi dậy tình yêu, ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản trong cộng đồng”, ông Hà Kế San cho biết.


Nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc khác cũng diễn ra trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Đền Hùng như triển lãm mô hình kiến trúc Tháp Hùng Vương; triển lãm tranh, ảnh “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam”; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày; ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ IX tại tỉnh Phú Thọ; giải bóng đá tỉnh Phú Thọ tranh cúp Hùng Vương năm 2014...


Để lễ hội diễn ra trong không gian trang trọng, linh thiêng, công tác nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Năm nay, BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng tiến hành sửa chữa các bức phù điêu, làm mới hệ thống bậc đá lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, hoàn thành quy hoạch tổng thể bãi đỗ xe giai đoạn 2, hoàn thiện hệ thống điện nước...


Ông Hà Kế San cho biết, việc tổ chức các hoạt động của lễ Giỗ Tổ trên tinh thần trang trọng nhưng tiết kiệm, văn minh, thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa vùng đất Tổ, đặc biệt là hai di sản “Hát xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, từng bước xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc; tạo động lực phát triển du lịch, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế xã hội.

 

Với mục tiêu quyết tâm xây dựng một lễ hội mẫu mực của cả nước, hướng đến sự an toàn, văn minh, tạo sự thoải mái và ấn tượng tốt nhất đối với du khách mỗi khi về thăm viếng Đền Hùng và thắp hương tri ân công đức Tổ tiên, BTC Lễ hội Đền Hùng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội chuẩn bị vật dụng, phương tiện cần thiết để thu gom, tập kết rác thải tại nhiều địa điểm, tuyến đường trong khu vực diễn ra lễ hội, chủ động ứng phó với các sự cố về môi trường có thể xảy ra. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm người bán hàng rong, đổi tiền lẻ hưởng chệnh lệch, ép giá, chèo kéo khách hàng cũng như các đối tượng ăn xin, đánh bạc trong khu di tích.

Phương Lan