12:00 23/12/2011

Tổn thất lớn từ công trình, dự án chậm tiến độ

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam: “Hầu hết các công trình, dự án từ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi…, công trình cấp quốc gia đến các công trình ở địa phương đều đang bị chậm tiến độ”.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam: “Hầu hết các công trình, dự án từ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi…, công trình cấp quốc gia đến các công trình ở địa phương đều đang bị chậm tiến độ”.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được khởi công đầu năm 2006, đến nay mới hoàn thành 81% khối lượng công trình. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Đại lộ Thăng Long - Hà Nội là dự án bị đội vốn lớn vì chậm tiến độ được công bố gần đây nhất. Mức đầu tư ban đầu (11/7/2003) của dự án là khoảng 3.700 tỉ đồng, nhưng đến khi hoàn thành (tháng 10/2010), tổng mức đầu tư của dự án này bị điều chỉnh tăng lên hơn 7.500 tỉ đồng.

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, trong 2 năm (2009 - 2010), mỗi năm vốn đầu tư cho các công trình gồm đường bộ, cầu, nhà ga, sân đỗ… lên tới khoảng 35.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các công trình này đang bị chậm tiến độ so kế hoạch đề ra. Tại thời điểm hiện nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải (GTVT) đang bị chậm tiến độ như cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 Nội Bài, quốc lộ 3 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Có những dự án tiến độ thi công kéo dài đã nhiều năm như dự án đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 1, dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân... nhiều gói thầu đã xin gia hạn đến lần thứ 2, thứ 3.

Báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2003 - 2010” của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội công bố đầu năm 2010 cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn này là 246.447 tỉ đồng, nhưng qua tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nhiều yếu tố làm các công trình, dự án bị chậm tiến độ nên tổng mức đầu tư phải điều chỉnh đã lên tới 558.654 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia xây dựng, công trình, dự án bị chậm tiến độ sẽ chịu tác động của đủ mọi chi phí và các chi phí này liên tục tăng, từ giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án… gây tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế.

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, mức độ thiệt hại từ đội giá công trình thì có thể tính được, nhưng thiệt hại về sự tụt hậu của một địa phương, vùng kinh tế do tuyến giao thông, cây cầu, cảng, nhà ga… chậm tiến độ thì không thể tính hết.

Tiến độ công trình, dự án chậm đang gây tổn thất không nhỏ đối với nền kinh tế. Nhưng theo các nhà quản lý và chuyên gia xây dựng, khắc phục những bất cập nêu trên chẳng dễ dàng.

Trước hết, hầu hết công trình, dự án bị chậm do không giải phóng được mặt bằng (GPMB), thường là do bất cập trong giá đền bù. Vòng luẩn quẩn: Dự án chậm vì không GPMB - phải điều chỉnh tổng mức đầu tư - lại lạc hậu với giá khiến chậm GPMB - lại điều chỉnh mức đầu tư... đang được xem như chuyện “quả trứng, con gà”.

Bên cạnh đó là hàng loạt nguyên nhân thuộc về cơ chế quản lý và năng lực nhà thầu.

Bàn về năng lực các nhà thầu, ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, nhiều công trình dự án bị chậm do tư vấn có chất lượng thấp, dẫn đến nhiều thiết kế không phù hợp, phải bổ sung, sửa đổi gây tốn kém, kéo dài thời gian thi công. Bên cạnh đó, lực lượng nhà thầu thi công tổ chức, thiết bị kém, không có chuyên môn về xây dựng bệnh viện, trường học, công trình văn hóa thể thao, trụ sở cơ quan khiến công trình vừa bị kéo dài vừa kém chất lượng… Năng lực yếu nhưng các doanh nghiệp tư vấn, thi công vẫn trúng thầu bởi các hiện tượng cục bộ, địa phương, tiêu cực như “quân xanh, quân đỏ”, cho các công ty sân sau của chủ đầu tư hoặc người có quyền quyết định đầu tư dự án, công trình. Hậu quả là công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, thất thoát, lãng phí mà không thể quy được trách nhiệm.

TS Phạm Văn Khánh, Vụ Kinh tế - Bộ Xây dựng thừa nhận, hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng không đồng bộ đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình xây dựng. Khi hệ thống pháp luật không đầy đủ, đồng bộ, chồng chéo thì các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng sẽ bị động trong toàn bộ quá trình thực hiện như mất nhiều thủ tục, thời gian. “Tuy nhiên, để đưa các nội dung cần sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định quản lý ngành xây dựng vào Luật Xây dựng sửa đổi thì cần phải chờ… thời gian dài”, TS Khánh cho biết.

Xuân Hương