02:15 10/02/2011

Tới vườn quốc gia Ba Vì, thăm khu rừng đặc dụng K9

Tổng diện tích Vườn quốc gia Ba Vì là 7.377 ha, chiếm 50% diện tích rừng toàn thành phố, được coi là lá phổi xanh của thủ đô Hà Nội, bao gồm: Phần rừng nguyên sinh, phần rừng phát triển các thắng cảnh, phần rừng do dân phục hồi, xây dựng các vườn sinh thái tổng hợp và khu rừng đặc dụng K9…

Tổng diện tích Vườn quốc gia Ba Vì là 7.377 ha, chiếm 50% diện tích rừng toàn thành phố, được coi là lá phổi xanh của thủ đô Hà Nội, bao gồm: Phần rừng nguyên sinh, phần rừng phát triển các thắng cảnh, phần rừng do dân phục hồi, xây dựng các vườn sinh thái tổng hợp và khu rừng đặc dụng K9…


Ngoài ra còn có vùng đệm rộng 12.000 ha thuộc lãnh thổ 7 xã là: Ba Vì, Ba Trại, Minh Quang, Tân Dân, Tản Lĩnh, Văn Hòa và Yên Bài…

Một góc Vườn quốc gia Ba Vì.

Theo sách “Thực vật chí Đông Dương” in năm 1930, rừng Ba Vì có trên 5.000 tiêu bản thực vật với 88 họ, 270 loài bậc cao có mạch. Các loài cây gỗ quý hiếm như: Cây thông đỏ đang được thực nghiệm lấy dược liệu làm thuốc chữa ung thư, mọc xen kẽ với các cây de, dẻ, sồi từ độ cao 1.000 m trở lên; cây hoàng đàn, gỗ thơm, làm bột hương, mọc xanh tốt ở độ cao 500 mét trở lên; cây dẻ hương mọc ở độ cao 700 mét; cây lát hoa, gỗ có vân rất đẹp, dùng làm đồ mỹ nghệ.

Cây sến mật, dùng làm tà vẹt đường sắt; cây dẻ gai, gỗ tốt, không bị mối mọt, dùng làm nhà. Đáng chú ý là cây bách xanh thường mọc ở núi đá, có tuổi thọ hàng trăm năm, là loại gỗ được xếp vào danh mục các loài cây cần được bảo vệ tại chỗ, có nguồn gen quý hiếm.


Về hình thái, cây bách xanh giống cây gỗ pơmu, nhưng cao to hơn, còn gọi là pơmu già. Cây cao từ 20 - 25 mét, thân thẳng, vỏ nâu đen, nứt dọc, gỗ có thớ thẳng mịn, không bị mối mọt, dễ gia công lại có mùi thơm, dùng làm đồ gỗ cao cấp, hàng mỹ nghệ, tạc tượng…

Ngoài nhiệm vụ giữ nước, nâng cao độ ẩm đất rừng, chống cháy rừng vào mùa hanh khô, Vườn quốc gia Ba Vì còn có nhiệm vụ phục hồi sinh thái bền vững, làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên, phục hồi các loại gen quý hiếm của các hệ sinh thái rừng nguyên sinh đã mất, tiến tới cân bằng sinh thái trong toàn vùng.


Ngoài ra, Vườn quốc gia Ba Vì còn phối hợp với Học viện Quân y, Viện Bỏng Quốc gia xây dựng Trạm Nghiên cứu Cây thuốc- Vườn dược liệu- với kế hoạch trồng 350 loài cây thuốc gồm 80 họ, 22 bộ, trồng thí nghiệm số cây ăn quả cho năng suất cao, chất lượng quả sạch như mơ, táo, mận hậu…

Công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đã được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm. Ngoài lực lượng kiểm lâm chuyên trách, quanh Vườn quốc gia Ba Vì còn có 16 tổ, đội xung kích của 16 xã vùng đệm do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng.


Hàng năm, lực lượng này được tổ chức tập huấn thường xuyên vào đầu và cuối năm về các kỹ năng PCCR. Vào thời điểm rừng dễ xảy ra cháy, hầu hết các trạm kiểm lâm, tổ xung kích PCCR tại mỗi xã đều có người tuần tra, trực chiến 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và ứng cứu khi rừng bị cháy.

Tuy vậy công tác PCCR cũng còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng kiểm lâm còn mỏng, khó kiểm soát được hết địa bàn mình phụ trách. Rừng Ba Vì lại ít suối lớn, khả năng giữ độ ẩm, giữ nước rất thấp nên rừng dễ bị cháy.


Chế độ đãi ngộ đối với tổ xung kích tại các xã vùng đệm chưa được quan tâm đúng mức. Ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng của bộ phận nhân dân chưa cao – nhất là việc dùng lửa đốt rẫy, làm nương, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò trong mùa rét. Đặc biệt còn có người chưa ý thức được việc bảo vệ rừng nên còn phá rừng: Khu rừng lim đã bị chặt hạ gần hết. Khu rừng thông ở khu đặc dụng Đá Chông cũng chỉ còn lại lơ thơ vài cây. Trại thí nghiệm cây canhkina ở Thủ Pháp đến nay cũng chỉ còn lác đác số cây già cỗi.

Phạm Vĩnh