09:20 05/09/2014

Tội phạm mạng - 'ngành công nghiệp kếch xù'

Tội phạm mạng đang trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, ngày càng phát triển trên toàn cầu và hiện gây thiệt hại khoảng 600 tỷ USD mỗi năm.

Tội phạm mạng đang trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ, ngày càng phát triển trên toàn cầu và hiện gây thiệt hại khoảng 600 tỷ USD mỗi năm. Đây là nhận định của các chuyên gia tham dự Diễn đàn quốc tế về Thông tin doanh nghiệp diễn ra ở Vienna (Áo) tối 3/9.

Ngành công nghiệp tội phạm mạng đang ăn nên làm ra.


Phát biểu tại diễn đàn trên, Tổng Giám đốc công ty công nghệ Mỹ Unisys tại Áo Roman Biller cảnh báo tội phạm mạng đang phát triển nhanh trên phạm vi cực kỳ rộng lớn và dần trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu đầy nguy hiểm. Theo ông Biller, việc ngày càng nhiều người truy cập Internet đang tạo ra rất nhiều lỗ hổng để các tên tội phạm lợi dụng. Ước tính khoảng 5% số người thường xuyên truy cập Internet nhận được các thư điện tử giả mạo.

Bà Silvia Strasser, thuộc Cơ quan cảnh sát tội phạm liên bang Áo, cho biết tội phạm mạng đang "ăn nên làm ra" trong môi trường người người sở hữu điện thoại thông minh, với hơn 1,25 tỷ chiếc điện thoại thông minh sẽ xuất xưởng trong năm 2014. Theo bà Strasser, các tin tặc sẽ ngày càng phạm vào nhiều tội ác hơn nữa vì bên cạnh nguồn lợi khổng lồ, cuộc tấn công của chúng gần như không phải trả giá - không đổ máu, không chống đối và không mối dây ràng buộc - do các nạn nhân thậm chí không nhận ra đang bị tấn công.

Các chuyên gia cũng cho rằng các công ty nên tăng nguồn ngân sách cho hoạt động an ninh mạng và tăng cường kiến thức về điện thoại thông minh cho người sử dụng. Theo các chuyên gia, việc chống lại tội phạm mạng một cách chủ động cũng rất cần thiết khi các phần mềm phát hiện virus hiện nay thường bị chậm hơn từ 1 đến 2 năm so với những dạng virus mới nhất.

Theo bản báo cáo hồi tháng 6 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), ước tính trong năm 2013, nước Mỹ đã thiệt hại khoảng 100 tỷ USD do tội phạm mạng, tương đương 0,64% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn nhất thế giới khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Đức cũng đối mặt với thiệt hại tương đương.

Ước tính có khoảng 40 triệu người sử dụng Internet tại Mỹ, tương đương 15% dân số, đã bị tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân. Trong khi đó, hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn cũng gây ảnh hưởng cho 54 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 16 triệu người ở Đức và hơn 20 triệu người Trung Quốc. Số nạn nhân của tin tặc trong năm ngoái lên tới 800 triệu người.

Báo cáo của CSIS nêu rõ việc đánh cắp thông tin cá nhân, đặc biệt các thông tin thẻ tín dụng, cũng có thể gây tổn thất lên tới 150 tỷ USD trên quy mô toàn cầu. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng tội phạm mạng đang là "một thứ thuế đánh vào sự sáng tạo" khiến động lực và tốc độ sáng tạo của các nhà phát minh bị sụt giảm nghiêm trọng do quyền lợi mà họ nhận được bị giảm sút. Bản báo cáo cũng đã khuyến cáo các quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai các chiến dịch triệt phá các đường dây tin tặc.


TTXVN/Tin tức