03:15 11/03/2020

Tội phạm ma túy có xu hướng chuyển địa bàn vào miền Nam

Các đối tượng ma túy đã chuyển hướng địa bàn từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, nhất là sau khi các lực lượng chức năng các tỉnh phía Bắc, miền Trung đẩy mạnh công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Ngoài vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào, các đối tượng này còn móc nối với bọn cầm đầu ở nước ngoài để thành lập các công ty trá hình để sản xuất, cất giấu ma túy tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Năm 2019, các cơ quan chức năng phía Nam đã bắt giữ nhiều tang vật ma túy tổng hợp buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam. Ảnh CA cung cấp

Đại tá Phan Thăng Long, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết trong thời gian qua, do các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở tuyến biên giới phía Bắc nên tội phạm ma túy có xu hướng chuyển vào miền Trung và các tỉnh phía Nam theo hướng từ Lào, Campuchia vào Việt Nam. Đáng chú ý, xu hướng  tội phạm ma túy dịch chuyển vào phía Nam và Campuchia để sản xuất ma túy tổng hợp và các loại ma túy khác đang gia tăng. Ở khu vực này còn hình thành đường dây, ổ nhóm sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam với số lượng lớn để tiêu thụ tại nội địa và vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc  hoặc đi nước thứ ba tiêu thụ.

Theo thống kê sơ bộ của Cục phòng chống ma túy và tội phạm, lực lượng liên ngành đã bắt giữ 711 đối tượng, khởi tố hình sự 28 vụ, xử lý 673 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách trên 118 tỷ đồng; thu giữ tang vật gồm ma túy, súng, pháo các loại. Hiện nay, 14 tỉnh, thành phố phía Nam có đường biên giới trên bộ với Campuchia dài hơn 1.100km. Trên toàn tuyến biên giới phía Nam có gần 50 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và hàng trăm cửa khẩu phụ, lối mở qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi sự qua lại làm ăn, buôn bán của người dân địa phương giáp biên, phát triển du lịch, giao thương của hai nước.

Theo Đại tá Phan Thăng Long, kết quả bắt giữ chưa tương xứng với thực tế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay. Trong quá trình bắt giữ, cơ quan chức năng mới bắt được đối tượng vận chuyển, chưa bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, chủ mưu, các đầu nậu lớn… Vì vậy, để phòng chống đội phạm ma túy, các chiến sỹ lực lượng Biên phòng phía Nam cần tăng cường nâng cao nghiệp vụ phòng chống tội phạm làm nòng cốt, thực hiện có chiều sâu công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao chất lượng hiệu quả mạng lưới cơ sở mật, nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động xác lập chuyên án, vụ án để đấu tranh triệt phá, nhất là các đường dây có quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia, tập trung vào các địa bàn trọng điểm trên các tuyến biên giới. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ngay từ ngoài biên giới.

Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu các ngành chức năng cần bắt được những kẻ cầm đầu, chủ mưu… Để làm được việc này, các cơ quan chuyên ngành cần làm tốt công tác điều tra cơ bản địa bàn, đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; chủ động xây dựng phương án đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê tội phạm buôn lậu...

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức