04:10 27/04/2011

Tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ giảm dần

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 tăng 3,32%, là tháng 4 có mức tăng cao nhất từ trước đến nay, kéo dài thêm đà tăng của CPI. Tuy nhiên, với kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, có khả năng CPI sẽ giảm dần từ tháng 5, tháng 6.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 tăng 3,32%, là tháng 4 có mức tăng cao nhất từ trước đến nay, kéo dài thêm đà tăng của CPI. Tuy nhiên, với kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, có khả năng CPI sẽ giảm dần từ tháng 5, tháng 6.

Giá tăng, sức mua giảm

Như vậy, trái với quy luật giảm sau Tết Nguyên đán của những năm trước đây, trong mấy tháng gần đây, giá cả liên tục tăng mạnh. Như vậy, CPI 4 tháng đầu năm đã tăng 9,64% so với tháng 12/2010. Trong cơ cấu chỉ số giá, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 15,2%, tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,19%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,56%, các nhóm còn lại tăng từ 2,42 đến 5,95%.

Mua bán thực phẩm tại chợ Thành Công, Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN


Theo các chuyên gia kinh tế, CPI 4 tháng đầu năm 2011 tăng cao là do: Giá nhiều hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước, cùng với việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã tác động đến giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng và nguyên liệu nhập khẩu. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh lan rộng ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm tươi sống. Nhu cầu tiêu dùng mang tính mùa vụ tăng. Chi phí đầu vào tăng (mặt bằng lãi suất ở mức cao, điều chỉnh tăng giá điện, than, xăng dầu, điều chỉnh tăng lương...) đã tác động đến giá thành hầu hết các mặt hàng trên thị trường.

Theo Bộ Công Thương, do giá cả tăng cao, trên thị trường, nguồn cung hàng hóa nhìn chung đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên, thị trường hàng hóa kém sôi động do sức mua thấp. Người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thu nhập giảm. Điều thể hiện rõ qua việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 4 ước đạt 151 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 1,79% so với tháng 3. Một số hàng đồ điện, gia dụng mặc dù giá không tăng nhiều và bắt đầu mùa tiêu thụ nhưng tiêu thụ chậm.

CPI sẽ giảm dần

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tháng 5, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá xăng dầu, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu cũng như gây sức ép tăng giá trên thị trường hàng hóa. Tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã từng bước được khống chế nhưng vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh. Cung ứng điện trong mùa khô có thể ảnh hưởng tới sản xuất của một số ngành. Việc tăng mức lương tối thiểu áp dụng từ 1/5 cùng với tác động của mặt bằng giá mới (nguyên nhiêu liệu) tiếp tục làm gia tăng chi phí đầu vào. Kỳ nghỉ lễ dài (30/4 - 1/5) sẽ làm gia tăng nhu cầu du lịch và ăn uống ngoài gia đình.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong bối cảnh một số vật tư thiết yếu đang tiếp tục ổn định và với hiệu quả ban đầu của các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự báo chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 5 vẫn sẽ cao nhưng có xu hướng giảm dần. “Để chống lạm phát, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp để giảm tổng cầu của nền kinh tế như giảm tốc độ tăng tín dụng và giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý. Chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế sẽ là liều thuốc “đặc trị” kiềm chế lạm phát hiện nay, nhưng nó có độ trễ nhất định. Chính sách đang đi vào cuộc sống, không thể biện pháp vừa tới đã “dập tắt” ngay được lạm phát cao”, ông Thỏa phân tích.
Trước lo ngại của dư luận về việc tăng lương tối thiểu được thực hiện trong thời gian tới sẽ tác động nhiều đến giá cả, ông Thỏa cho hay: “Việc tăng lương vẫn đang nằm trong lộ trình cải cách tiền lương Chính phủ đã đề ra từ trước. Hơn nữa, việc tăng lương lần này cũng như các lần trước là chúng ta không in thêm tiền để tăng lương.

Như vậy, về nguyên lý thì chúng ta không tăng tiền của tổng nền kinh tế nên không gây sức ép đến mặt bằng giá”. Tuy nhiên, do thực tế việc tăng lương vẫn gây sức ép đến mặt bằng giá do quỹ tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng và thị trường hàng hóa thường chịu tác động tăng giá tâm lý từ việc tăng lương nên theo ông Thỏa, để chống hiện tượng này, các cơ quan quản lý nhà nước phải có giải pháp, đã “bơm tiền” ra thì cũng phải có giải pháp “hút tiền” về hợp lý; tăng cường mạnh hơn giải pháp thanh tra kiểm tra thị trường, giá cả... và xử lý thật nghiêm những hiện tượng lợi dụng làm bất ổn thị trường.
Để kiềm chế giá cả, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung - cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Thu Hường