02:15 15/02/2012

Tốc độ a xít hoá các đại dương cao chưa từng thấy

Ngày 14/2, Uỷ ban liên chính phủ về hải dương học thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của của LHQ (UNESCO-IOC) dự báo với nhịp độ thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển như hiện nay, hàm lượng a xít trong các đại dương của thế giới sẽ tăng thêm 150% vào năm 2010.

Ngày 14/2, Uỷ ban liên chính phủ về hải dương học thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của của LHQ (UNESCO-IOC) dự báo với nhịp độ thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển như hiện nay, hàm lượng a xít trong các đại dương của thế giới sẽ tăng thêm 150% vào năm 2010.


Theo nghiên cứu của UNESCO-IOC, tốc độ a xít hoá các đại dương đã đạt tốc độ cao chưa từng thấy trong vòng 20 triệu năm qua. Các đại dương đã hấp thụ hơn 50% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Hiện trạng axít hoá đã tác động nghiêm trọng đến các động thực vật sống trong các đại dương khiến nhiều loài có tầm quan trọng sống còn đối với sức khoẻ và sự sống trên Trái Đất có nguy cơ tuyệt chủng.
 
Thông qua tác động đến sự sống trong các đại dương, tác động của hiện tượng a xít hoá đến kinh tế xã hội mỗi nước và toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng. Các cộng đồng dân cư ven biển và các quốc đảo nhỏ (SIDS) có cuộc sống phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái biển là những cộng đồng đầu tiên cảm nhận tác động nguy hại của hiện tượng này. Suy giảm các nguồn tài nguyên biển và đa dạng sinh học biển đã tác động trực tiếp đến các nước phụ thuộc vào ngành đánh bắt và chế biến hải sản, du lịch, gây mất an ninh lương thực cho ít nhất 1 tỷ người trên Trái Đất.




Tốc độ a xít hoá các đại dương đã đạt tốc độ cao chưa từng thấy trong vòng 20 triệu năm qua. Ảnh: Internet



LHQ nhấn mạnh mặc dù hiện tượng a xít hoá đại dương đã trở thành vấn đề toàn cầu và tác động đến tất cả các nước nhưng vấn đề nghiêm trọng là nguy cơ này vẫn chưa được thừa nhận ngoài cộng đồng nghiên cứu hải dương.

Nhằm nâng cao nhận thức để thống nhất hành động toàn cầu chống suy thoái môi trường biển và đại dương, UNESCO-IOC đã tổ chức hàng loạt hội thảo và công bố các tài liệu nghiên cứu về tác động của hiện tượng a xít hoá và các giải pháp lựa chọn để ngăn ngừa nguy cơ này.

Các hành động này thúc đẩy chương trình đánh giá nguy cơ a xít hoá để giúp các nước phát triển các chính sách phù hợp nhằm hành động tập thể làm giảm hoặc thích nghi với tác động của a xít hoá đồng thời kêu gọi đưa chủ đề a xít hoá đại dương trở thành chủ đề ưu tiên của chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao LHQ về phát triển bền vững ở Braxin (Rio+20) vào tháng 6 tới.


Anh Tuấn