07:10 27/07/2011

Toàn xã hội thấu hiểu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ là cần thiết, song phải làm bằng cả tấm lòng để không làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc đền ơn đáp nghĩa.

Xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ là cần thiết, song phải làm bằng cả tấm lòng để không làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc đền ơn đáp nghĩa.

Hàng năm, nguồn chi từ ngân sách cộng với hàng loạt chính sách ưu đãi: Vay vốn sản xuất, bố trí lao động, nhà ở, học hành, khám chữa bệnh... cho bản thân đối tượng chính sách và con em họ đã cải thiện rõ rệt đời sống của thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Nhiều thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã vươn lên cải thiện đời sống của bản thân và gia đình, nhiều người trở nên giàu có. Tuy nhiên, những trường hợp như thế không nhiều. Phần lớn các thương binh, gia đình liệt sĩ do ít lao động, đông con, ốm đau bệnh tật quanh năm, thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Chúng tôi từng chứng kiến có trường hợp gia đình thương binh khi dọn đến nhà tình nghĩa ở, ngoài vài chiếc giường cũ kỹ, bộ bàn ghế, ít chén bát, xoong nồi... ra, không có gì khác đáng giá. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, nơi mặt bằng kinh tế còn thấp thì đồng bào khó có thể đóng góp giúp các gia đình chính sách.

Thực hiện chính sách xã hội hóa là việc “trả ơn” chứ tuyệt nhiên không phải là “ban phát”. Để có được cuộc sống như hôm nay, hàng triệu người con ưu tú của cả nước đã hy sinh cả cuộc đời mình, hoặc mất đi một phần xương máu. Công lao và sự hy sinh ấy đối với Tổ quốc là vô giá. Vì thế, dù đất nước còn khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải dành một khoản ngân sách thỏa đáng để đảm bảo cuộc sống cho những đối tượng chính sách này. Xã hội hóa là để cả xã hội thấu hiểu đạo lý của việc đền ơn đáp nghĩa với những người đã hy sinh xương máu cho đất nước.

Những năm qua, việc chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi mang tính tự giác, trở thành nếp sống và ý thức xã hội. Xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về việc chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Đó là, nhiều gia đình tuy còn khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn dành số tiền ít ỏi của mình đóng góp vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; một bà mẹ ở Lục Ngạn (Bắc Giang) hàng năm ròng, đêm nào cũng đi bộ 4km đường rừng đến ngủ với bà mẹ liệt sĩ cô đơn; những chị, những mẹ đã tận tâm chăm sóc những thương binh nặng, những đứa trẻ bị dị tật do bố mẹ các em nhiễm chất độc da cam; hoặc chăm sóc các ông bố, bà mẹ liệt sĩ cô đơn như người ruột thịt...

Đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước khi đề cập đến công tác chăm sóc thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, sau cụm từ “Đảng, Nhà nước”, luôn có cụm từ “đồng bào”, “cộng đồng”. Thực chất là nội dung xã hội hóa công tác này. Như vậy, xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ là một chủ trương đúng đắn, giàu tính nhân văn. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và truyền thống đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước không chỉ là việc làm trước mắt, không chỉ đơn thuần là đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân ngày 27/7 hàng năm, mà là vấn đề mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Chiến tranh đã và đang lùi vào quá khứ, nền kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển, những đối tượng chính sách ngày càng thu hẹp... là những yếu tố giúp cho việc chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn.

Mạnh Minh - Minh Đức